Bắt đầu có những tổng kết về cuộc “tổng tiến công mùa Xuân năm 2020” ở các tỉnh, thành phố. Từ đây, có thể thấy không một ngày nào bị bỏ lỡ. Công điện khẩn, họp trong đêm… là những trạng thái quen thuộc không chỉ ở Chính phủ, mà khắp nơi, từ Hà Nội, TPHCM, đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh…
Địa phương khẩn trương
Quảng Ninh, nơi “hội tụ” đủ các yếu tố bất lợi để dịch COVID-19 có thể bùng phát vì đường biên với Trung Quốc dài, cả trên bộ, trên biển; là một trong những cảng biển lớn nhất cả nước. Bí thư Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký cho hay, ở mỗi giai đoạn, tỉnh đều phải xây dựng phương án tác chiến phù hợp.
Quảng Ninh đã thành lập gần 100 chốt kiểm soát hoạt động 24/24h tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Đầu tháng 2/2020, thành phố vùng biên Móng Cái trở thành nơi đầu tiên của cả nước triển khai “phương án tác chiến với dịch COVID-19” trên phạm vi toàn thành phố…
Láng giềng sát vách, Hải Phòng “tổng tiến công” với quy mô còn có phần hơn. HĐND Hải Phòng họp bất thường để quyết chi ngay hơn 1000 tỷ đồng ngân sách cho chống “giặc”COVID- 19.
Đáng chú ý, theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, dồn sức chống dịch, nhưng các chương trình, kế hoạch khác liên quan tới đầu tư công, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm đều không thay đổi. Thậm chí, Hải Phòng còn xác định đây chính là lúc cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án để át “giặc”.
Tương tự, Đà Nẵng chống “giặc” thành công và cũng khá thành công trong việc tiếp tục duy trì sức sống trong thu hút đầu tư, không hổ danh là thành phố biển năng động nhất miền Trung. Thông tin từ Chủ tịch UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ, cho thấy thu hút vốn đầu tư trong nước của Thành phố tăng mạnh, gấp 4,72 lần so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, hoạt động thi công tại các dự án, công trình trọng điểm vẫn duy trì tốc độ, bất chấp những tác động mạnh mẽ từ COVID-19.
Tại Tiền Giang, vừa chống giặc, địa phương vừa giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trong quý II/2020. Đến nay, tiến độ của toàn dự án đã đạt trên 40%, tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 3/2019.
Đây là dự án đi vào lịch sử làm cao tốc ở Việt Nam khi hơn 10 năm qua đứng trên bờ vực và chỉ được giải cứu khi có sự ra tay quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Vào lúc “giặc giã” căng thẳng, tháng 3/2020, Thủ tướng vẫn trực tiếp đến nơi này để thúc tiến độ.
Trung ương càng tất bật
Địa phương như vậy, ở Trung ương càng không bỏ lỡ một ngày nào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn cố gắng giữ đất nước ở cục diện cân bằng để vừa chiến thắng đại dịch, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững, với mệnh lệnh, “không chủ quan nhưng cũng không quá hốt hoảng đến mức không dám làm gì khác”.
Theo phương châm đó, ngày 30/3, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng chiến thắng đại dịch. Ba ngày sau, đến ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7/4/2000 – 7/4/2020), ông gửi thư kêu gọi mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không quên gửi thư chúc mừng, động viên các cấp hội, hội viên, nhà báo cả nước luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.
Chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu, “chuẩn bị tinh thần bước vào cuộc chiến đấu mới, chống dịch bệnh nhưng không được để kinh tế ách tắc”.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng mong muốn, “tinh thần đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng lan tỏa tới tất cả các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước, tạo khí thế tiến tới Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp”…
Giữa lúc nóng nhất của dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổ chức thực hiện ngay, hạn chế đến mức thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống…
Với Chính phủ, không chỉ không bỏ lỡ ngày nào, mà còn là không bỏ lỡ một ai, kể cả vào thời kỳ cao trào nhất; không chỉ là đánh giặc COVID-19, mà còn là tiếp tục xốc vác nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế-xã hội.
Như việc Thủ tướng vừa lo không cho dịch bệnh bùng phát, vừa lo thúc đầu tư công, khơi thông các dự án cao tốc; vừa lo khẩn cấp có gói cứu trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng, vừa lo xử lý giá thịt lợn tăng “quá đáng”… Liên tục trong nhiều tuần, Thường trực Chính phủ – Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày nào cũng họp.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo họp hai ngày một lần, đó là chưa kể hàng loạt các cuộc họp khẩn tùy theo diễn biến tình hình.
Còn ví dụ về việc Chính phủ không bỏ lỡ một ai, thì có thể kể đến đơn kiến nghị của bà Cù Thị Các (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) liên quan đến khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước đối với chồng bà và việc chính quyền xã Sơn Đà đã giữ Huân chương, Huy chương, tiền thưởng của nhiều trường hợp hơn mười năm nay, gửi cuối tháng 3 thì ngay trong tuần đầu của tháng 4 đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp yêu cầu Hà Nội giải quyết …
Vào mùa hè năm ngoái, thảo luận ở Nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu, “chúng ta đã thực sự có một Chính phủ gần dân, sát dân, vì dân. Có thể người dân chưa hiểu nhiều về mức tăng GDP mỗi năm là thế nào, nhưng họ cảm nhận rõ Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến dân”.
Bà Bé kể thêm, “người dân nói với tôi, người dân trồng cây gì, nuôi con gì, dù có theo quy hoạch hay không, nhưng khi gặp lúc vụ mùa thất bát, vẫn đều được Chính phủ cứu”.
Cũng một tình cảm như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, “chưa bao giờ lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước cao như hiện nay, điều đặc biệt đáng mừng là không chỉ lòng tin của người dân trong nước, mà còn của cả bạn bè quốc tế”.
Ông Việt khẳng định, “lòng tin tạo nên môi trường chính trị, kinh tế-xã hội ổn định. Điều này không phải dễ dàng có được, không phải có trong một sớm một chiều, không phải tự nhiên có, mà đó là dấu ấn phấn đấu cao độ của cả bộ máy chính trị”.
Nhận xét, “Chính phủ, Thủ tướng lăn lộn rất khổ cực”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh đoán chắc “người dân muốn thấy một ngày Chính phủ thong dong, không phải lăn lộn, tất bật. Mong là thời kỳ khó khăn nhanh qua”.
Quả thật, Thủ tướng cũng thấm về những lúc rất khổ cực nhưng “nếu muốn tiếp tục con đường phát triển đất nước cường thịnh, cuộc sống nhân dân hưng thịnh, thì không thể cho phép Chính phủ dù chỉ một ngày thôi tất bật”.
Lê Châu
Nguồn: Baochinhphu.vn