- Chiến dịch Hồ Chí Minh – 45 năm nhìn lại
- Chiến công của ‘cánh quân thứ 6’
- Nhớ về chiến dịch mang tính bước ngoặt của mùa…
Hình ảnh Thượng tướng Lê Ngọc Hiền trong cuốn “Hồi ức về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền” của NXB Quân đội nhân dân |
Câu chuyện về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền được ghi lại theo lời kể của ông vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 2005). Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền (1928-2006), tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Dù ông đã đi xa song tài năng và đức độ cũng như hình bóng ông vẫn còn in đậm trong tâm khảm của các vị lãnh đạo, cùng nhiều tướng lĩnh và bạn bè, người thân.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền quê ở xã Đại Đồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1944, ông tham gia cách mạng, tháng 5/1945, ông nhập ngũ và vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền có một nửa thời gian làm công tác tác chiến nên bạn bè vẫn thường gọi ông với cái tên trìu mến là “Ông Hiền tác chiến”.
Sau khi Bộ Chính trị có quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1974 – 1976, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam được lệnh xây dựng kế hoạch tác chiến.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền kể lại: “Tháng 4/1974, tôi được Bộ Tổng Tham mưu lệnh ra Bắc gấp. Ra đến Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng (khi đó là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) gọi lên và nói cho cậu về nghỉ phép 1 tuần”.
Sau 4 năm ở chiến trường nay được nghỉ một tuần gặp gỡ gia đình, ông định bụng dành mấy ngày cả nhà về Sơn Tây thăm quê. Nào ngờ, mới nghỉ được 5 ngày, Đại tướng Văn Tiến Dũng lại cho gọi lên và nói: “Giao quyết định quân hàm Thiếu tướng cho cậu và từ nay cấp trên quyết định cậu giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng và giao nhiệm vụ đặc biệt cùng với Cục Tác chiến làm gấp kế hoạch tác chiến chiến lược trong 2 năm để giành thắng lợi lớn giải phóng miền Nam”.
Kế hoạch tác chiến chiến lược được ông cùng Cục Tác chiến chuẩn bị từ tháng 5 đến cuối tháng 10/1974 với nội dung khá tỉ mỉ về tình hình địch – ta, diễn biến trên khắp các chiến trường từ sau khi ký Hiệp định Paris qua những tấm bản đồ, biểu đồ, bảng so sánh số liệu…
Ông kể: “Sau khi kế hoạch tác chiến hoàn thành, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị bàn bạc. Điều chúng tôi mừng nhất là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhất trí với bản kế hoạch, chỉ yêu cầu bổ sung chi tiết hơn. Điểm mấu chốt của kế hoạch tác chiến chọn chiến trường Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975 được Bộ Chính trị đánh giá cao”.
Từ tháng 10 đến tháng 12/1974, kế hoạch tác chiến được bổ sung chi tiết đến từng chiến dịch. Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị họp mở rộng, thông qua kế hoạch tác chiến.
Với quan điểm thông suốt là dự kiến giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976, thì trong năm 1975, ta tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng miền Nam. Ngoài kế hoạch tác chiến này, Bộ Chính trị còn dự kiến “nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Ông nói kế hoạch tác chiến chiến lược là công sức và sự cố gắng hết mức, hết sức căng thẳng trong suốt nửa năm liền của tập thể cán bộ Cục Tác chiến. “Những ngày đó, chúng tôi chỉ được nghỉ lúc ăn, hầu hết thời gian dốc sức để hoàn thành kế hoạch. Nhiều khi chúng tôi làm việc đến nửa đêm, thậm chí đến 1, 2 giờ sáng. Chúng tôi phải theo dõi diễn biến các chiến trường, mỗi ngày có đến hàng trăm bức điện từ khắp nơi gửi về nên phải đọc rồi phân tích, đánh giá tình hình”, ông kể.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông được giao trọng trách Tham mưu trưởng Chiến dịch, có nhiệm vụ vạch kế hoạch tác chiến cho Chiến dịch.
Kế hoạch tác chiến do Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền trình bày tại cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Hùng (khi đó là Bí thư Trung ương Cục), gồm 2 bước.
Một là, từ ngày 8/4, tiến công chia cắt chiến lược và bao vây đánh trận “rung động”, đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Nếu thuận lợi, địch tan rã thì phát triển thọc sâu ngay, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm Thành phố Sài Gòn.
Hai là, dự kiến từ ngày 15 đến ngày 20/4/1975, thực hiện đột kích Sài Gòn trên 5 hướng, lực lượng sử dụng từ 3 – 5 sư đoàn chủ lực, 7 đoàn đặc công, 60 tổ biệt động cùng với lực lượng du kích và khoảng 50.000 quần chúng nổi dậy tại chỗ. Nếu địch co cụm thì chuẩn bị thêm lực lượng nhưng phải giải quyết xong trong tháng 4/1975.
“Cách đánh của ta là táo bạo, kiên quyết tiến công đánh thẳng vào đầu não địch, đè bẹp ý chí đề kháng của địch”, vị tướng Lê Ngọc Hiền kể lại…
Hai bảo vật bất ly thân -chiếc đồng hồ và chiếc la bàn của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền. |
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhiều hiện vật quý giá.
Trong số những kỷ vật về Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có 2 bảo vật “bất ly thân” của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng Chiến dịch này, đó là chiếc đồng hồ và chiếc địa bàn.
Khi trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông nói: “Với cán bộ tác chiến, hai vật này là vật bất ly thân”. Đây là hai kỷ vật gắn bó với ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ: Đồng hồ để xem giờ giấc, địa bàn xác định phương hướng. Chiếc đồng hồ và chiếc địa bàn được ông sử dụng trong suốt quá trình tham gia, chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch, đặc biệt là trong thời gian soạn thảo, chỉ đạo kế hoạch tác chiến giải phóng miền Nam và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trên cương vị Tham mưu trưởng Chiến dịch này./.
(theo Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
Nguồn: Baochinhphu.vn