Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc mít tinh mừng Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: TTXVN |
Sau ngày 30/4/1975 lịch sử, dù nguyên vẹn sau chiến tranh, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại.
Đó là những công việc bề bộn khi có tới 443.360 sĩ quan, binh lính, nhân viên chế độ cũ trình diện; 36.000 người không nhà cửa, hàng vạn người không có công ăn việc làm; hàng chục vạn gia đình khác sống ở các khu vực kênh rạch nước đen, gầm cầu, xó chợ; gần 100.000 ha đất nông nghiệp bị hoang hóa, trong đó 2/3 đất đai bị ô nhiễm bom đạn, chất độc hóa học; vành đai trắng bao khắp các vùng ven đô và Củ Chi, Cần Giờ, vùng bưng Tây Nam.
Trong 7 ngày đầu sau ngày 30/4, Thành phố đã thu gom 10.000 tấn súng đạn; trong hơn 2 năm (1975-1977), phá gỡ 128.090 quả bom mìn, thu gom 415 tấn vật liệu nổ do chiến tranh để lại…
Mặc dù vậy, Thành phố đã cùng cả nước bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, chống đỡ thiên tai địch họa, nhất là lực cản của cơ chế quản lý cũ do chính mình duy trì để tiến bước.
Từ năm 1986, dù bắt đầu chuyển sang đổi mới nhưng đó không giống như giũ bỏ cái áo cũ để khoác ngay chiếc áo mới mà là quá trình vật lộn trong cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội và cho đến nửa cuối thập niên 90 thế kỷ XX trở đi, Thành phố mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển với những chuyển dịch, đột phá, tăng tốc… Những nỗ lực vô bờ bến ấy đã mang đến cho Thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” có được gương mặt như hôm nay.
Trong 45 năm, quân và dân Thành phố thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng của Trung ương về Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 01-NQ/TW-1982, Nghị quyết 20-NQ/TW-2002, Nghị quyết 16-NQ/TW-2012). Đảng bộ Thành phố trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội, phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm, linh hoạt, năng động, sáng tạo của một Thành phố Anh hùng trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mới.
Chính quyền và nhân dân Thành phố chủ động tháo gỡ khó khăn, từng bước vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, thử nghiệm và thuyết phục cách làm mới, tư duy mới, làm sáng tỏ dần con đường đi lên của mỗi địa phương cũng như cả nước.
Đường hầm vượt sông Sài Gòn-công trình hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á-nối Quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm (Quận 2); khởi công tháng 1/2005, hoàn thành tháng 11/2011. |
45 năm từ trong khó khăn, đã có hàng loạt đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh chủ động “phá rào”, mạnh dạn tổ chức lại sản xuất, liên kết với các tỉnh khai thác nguyên liệu, cung ứng thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao; chuyển các “vành đai trắng” trong chiến tranh thành những “vành đai xanh” lương thực, thực phẩm; vừa cải tạo mạng lưới tiểu thương, vừa xây dựng tổ chức hệ thống thương nghiệp quản lý thị trường xã hội, thực hiện liên kết và mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh, cải tiến phương thức phân phối và phục vụ, đi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhiều mô hình mới.
Từ khi đổi mới, Thành phố chuyển theo kinh tế thị trường với cơ chế và chính sách quản lý kinh tế – xã hội đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất. Các thành phần kinh tế được phát triển, kinh tế Nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động ngày càng hiệu quả; kinh tế tập thể được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh.
Thành phố đầu tư và phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ làm nền tảng phát triển, xây dựng một thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp hiện đại; phát triển và đón đầu về công nghệ thông tin, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…
45 năm từ sau giải phóng, Thành phố tiếp tục đi trước mở đường những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, sáng tạo những cách làm táo bạo mang tính đột phá, thực hiện những thử nghiệm trong thực tiễn, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển; việc làm ấy thiết thực cho Thành phố và cả nước nhìn thấy được cái mới, cái tiến bộ để cùng làm.
Đặc biệt từ khi đổi mới đến nay, Thành phố tiếp tục phát triển năng động với những chuyển biến về đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, mạnh dạn đưa ra các định chế cho các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở củng cố niềm tin cho khu vực tư nhân, tiên phong xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung, hướng nền kinh tế vào xuất khẩu; thực hiện các chính sách kinh tế mở và mạnh dạn thí điểm các định chế vận hành thị trường.
Đó cũng là những đóng góp thiết thực vào hình thành và hoàn thiện thể chế để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xác thực vị trí vai trò một đầu tàu động lực trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam (năm 2018, Thành phố thu ngân sách đạt 378.543 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, là địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước, chiếm tỉ trọng hơn 28% tổng thu ngân sách quốc gia; năm 2019 thu ngân sách đạt hơn 412.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2018. Khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố đến cuối năm 2019 có hơn 9.400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 53 tỷ USD…), định dạng Thành phố là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của quốc gia và khu vực khu vực Ðông Nam Á, nuôi khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
45 năm qua, Thành phố luôn tiên phong trong suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào về văn hóa – xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đó là việc Thành phố thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào ba giảm, đề án sau cai nghiện, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng quỹ vì người nghèo, bệnh viện cho người nghèo, chương trình nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa y tế, xã hội hóa giáo dục, phát triển mô hình bệnh viện, trường học… Phong trào nào, chương trình nào từ Thành phố cũng mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn; cuộc vận động nào của Thành phố cũng mang ý nghĩa nhân văn, vì cả nước, cùng cả nước.
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: SGGP |
Trong 45 năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975, hành trang trong thời kỳ phát triển và hội nhập của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là những chiến tích hào hùng và sôi động thời chiến tranh ở một đô thị trọng điểm chỉ đạo chiến tranh cách mạng mà còn là những kinh nghiệm và bài học sâu sắc trong xây dựng, bảo vệ và phát triển trong thời bình, với những tìm tòi, thử nghiệm mô hình mới, tháo gỡ và giải quyết khó khăn, đề ra những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa thị trường nhiều thành phần, góp phần trực tiếp vào việc hình thành tư duy đổi mới quản lý kinh tế, là cơ sở quan trọng để từ đó, Đảng và Nhà nước xây dựng quyết sách mới, đường lối mới.
Có thể nói sức hội tụ và lan tỏa của Thành phố ngày càng mạnh mẽ như lời bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” vang lên từ mùa Xuân đại thắng ấy để giờ đây, Thành phố mang tên Bác viết tiếp bản thiên anh hùng ca sáng chói!
Hà Minh Hồng
Nguồn: Baochinhphu.vn