Ông Nguyễn Chước (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Thời kỳ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) ra đời, chiến thắng đột phá Buôn Mê Thuật, Đà Nẵng – những bước ngoặt lớn dẫn đến chiến thắng mùa xuân 1975 là ký ức thời vàng son của ông.
Với tuổi đời hơn 80, ông Nguyễn Chước tham gia cách mạng từ giai đoạn tiền khởi nghĩa 1944. Nhà ông nội của ông là căn cứ của Tổng bộ Việt Minh. Thời gian bắt đầu tham gia, ông làm công tác viết và rải truyền đơn cho cách mạng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhất năm 1972-1975, ông tham gia với vai trò cán bộ hậu cần, làm tham mưu chi viện cho chiến trường miền Trung, thuộc Chính phủ CMCHLTMN Việt Nam khu Trung trung bộ.
Từ dấu mốc thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam
Từ ngày 6-8/6/1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam mà Mặt trận Dân tộc giải phóng là nòng cốt, cùng với liên minh các lực lượng dân tộc-dân chủ-hoà bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch đã bầu ra Chính phủ CMLTCHMNVN, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch và Hội đồng có vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.
Ngay sau khi thành lập, Chính phủ CMLTCHMNVN đã có 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975 đã có hơn 50 nước công nhận và lập quan hệ ngoại giao.
Chính phủ CMLTCHMNVN có cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính quyền CHMNVN được tổ chức ở các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã. Các cấp địa phương đều có Hội đồng nhân dân Cách mạng và UBND Cách mạng. Chính phủ CMLT đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Chính phủ cũng kêu gọi toàn quân, toàn dân, không phân biệt chính đảng, tôn giáo, dân tộc, đoàn thể, các tổ chức công thương yêu nước, kiều bào nước ngoài và cả những cá nhân yêu nước trong guồng máy kẻ thù… Tất cả cùng tăng cường đoàn kết, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Trụ sở đầu tiên của Chính phủ đóng tại Tây Ninh. Sau tháng 5/1972 (từ đó đến năm 1975), Văn phòng Chính phủ chuyển về Quảng Trị (thôn Tây Hoà, thị trấn Cam Lộ, huyện Chi Linh).
Riêng Quân khu 5, Ban đại diện Chính phủ do đồng chí Trương Công Thuân làm Chủ tịch. Sau khi ông Thuân qua đời, ông Đặng Trần Thi lên thay chức Chủ tịch Ban đại diện Chính phủ tại khu Trung Trung Bộ cho tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
“Với sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMNVN là sự hợp thức hoá, chính thức thành lập Quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam với sự tham gia của lực lượng chiến đấu tại chỗ cùng với lực lượng chính quy của miền Bắc. Chính phủ CMLTCHMNVN trở thành nơi tập hợp các lực lượng yêu nước làm đối trọng công khai trong cuộc đấu tranh sống còn với Mỹ- Ngụy. Hình thức chiến đấu của ta cũng chuyển từ du kích sang chiến đấu trực diện, có lực lượng quân đội chính quy”, ông Nguyễn Chước nói.
Đến chiến thắng Buôn Mê Thuật, giải phóng Đà Nẵng – đột phá chiến lược cho chiến thắng mùa xuân 1975
Từ năm 1972-1975, cuộc chiến tranh giằng co vô cùng khốc liệt ở chiến trường. Chiến dịch Tây Nguyên, với chiến thắng Buôn Mê Thuật vang dội (tháng 3/1975) chính là “chìa khóa mở” giải phóng cả vùng Tây Nguyên, lan tỏa xuống Nha Trang, Phú Yên, mở màn cho sự tan rã của toàn bộ quân địch.
“Tôi đi vào cùng với đoàn cán bộ chuẩn bị thành lập trường Đại học Tây Nguyên sau khi giải phóng được Tây Nguyên. Việc đánh tan được Buôn Mê Thuật đã làm cho toàn bộ quân địch quá hoảng loạn, lần lượt tan rã và tháo chạy khắp các ngã đường. Lúc ấy, anh Võ Chí Công chạy ra nói với chúng tôi: “Các cậu ơi, bây giờ không phải là lúc ngồi ở văn phòng nữa, toàn bộ ra ngoài đường, vác đá cho xe tăng chạy”. Lúc đó tôi mới biết được rằng xe tăng đã được chuyển vào từ lúc nào, được cất giấu bí mật, lúc đó mới được tung ra, một anh chi viện như tôi cũng không biết gì cả”, ông Chước kể lại.
Giải phóng được Buôn Mê Thuật rồi, muốn giải phóng Đà Nẵng thì trước tiên phải giải phóng Quảng Ngãi-Tam Kỳ (Quảng Nam) trước. Quân ta phối hợp đánh từ ngoài Quảng Trị-Huế, còn từ trong đánh Quảng Ngãi-Quảng Nam. Người được anh Võ Chí Công giao là anh Đỗ Thế Chấp đứng ra chỉ huy trận đánh Tam Kỳ, đánh được Tam Kỳ thì mới đánh được Đà Nẵng. Lực lượng ta ép toàn bộ quân địch, cắt đứt từng khúc một không cho một sự chi viện nào hết, đó là các đoạn Phú Yên-Khánh Hoà, Quảng Ngãi-Tam Kỳ, ngoài Bắc thì cắt từ trung tâm Quảng Trị đến Huế. Từ đó, bao vây theo thế gọng kìm đánh vào Đà Nẵng.
“Khi ấy, con đường duy nhất từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng là cây cầu Bà Rén bị sập, không có đường cho xe tăng đi. Tôi trực tiếp gọi điện ra Trung ương xin ý kiến. Quân ta phải nhanh chóng bắt cầu phao, đưa phà ra. Những tình huống như thế này không hề có sự chuẩn bị trước nhưng được lực lượng ta chuẩn bị rất nhanh chóng, toàn bộ chúng tôi đều trở thành chiến sĩ hết, không còn lính văn phòng nữa. Anh Võ Chí Công yêu cầu toàn bộ tham gia để chuẩn bị cho giải phóng Đà Nẵng” .
Có thể nói, chiến thắng Buôn Mê Thuật là đột phá chiến lược cho chiến thắng mùa xuân 1975. Chỉ khi đánh gãy trung tâm, làm cho tinh thần địch hoảng loạn, toàn bộ quân địch chạy như ngã rạ từ khắp các con đường xuống. Kết hợp thêm chiến thuật cô lập từng khúc một, quân địch không còn 1 chi viện nào hết.
Chúng ta đã giải phóng được Đà Nẵng thì chuyện giải phóng toàn bộ miền Nam là điều chắc chắn, còn lại chỉ là vấn đề thời gian, nhưng chỉ là thời gian ngắn khi chúng ta củng cố lực lượng và thời cơ chín muồi. Giải phóng Đà Nẵng chính là bước ngoặt thứ 2, chúng ta làm chủ toàn bộ miền Trung, 11 vạn quân địch tháo chạy ở Đà Nẵng. Chính bước đột phá chiến lược thứ 2 này giúp cho Trung ương có quyết định mới, đó là chiến dịch Hồ Chí Minh do Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy.
Những hi vọng tươi sáng trong thời bình
Đất nước giải phóng, Bắc – Nam về một nhà, ông Nguyễn Chước không hồi hương ra Bắc mà chọn gắn bó với TP. Đà Nẵng, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành thuỷ sản miền Trung, từng là Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng. Là một Đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng, ông Chước vẫn theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nói về cuộc chiến không súng – chống dịch COVID–19 hiện nay, trên môi người lính già cho rằng: “COVID– 19 mang lại những tác động vô cùng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Các gói hỗ trợ các đối tượng xã hội, người dân là quyết sách đúng đắn khi Đảng, Chính phủ đặt lợi ích, quyền lợi của người dân lên trên hết để hành động”, ông Chước nói.
“Trong thời bình cũng như thời chiến, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Đảng đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo và đã có nhiều chính sách đầy trách nhiệm với nhân dân, đặt tính mạng của nhân dân và đời sống an sinh xã hội của nhân dân lên hàng đầu”.
“Trong công cuộc xây dựng kinh tế, tôi đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện đời sống nông thôn và tăng thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, Đảng đã làm rất tốt công cuộc xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và đổi thay bộ mặt của những vùng quê nghèo, đưa nước sạch, đưa điện về vùng sâu vùng xa và bước đầu đã đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Tôi rất tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn sẽ được đưa ra trong thời gian tới, mang tới những niềm hi vọng mới, một bức tranh tươi sáng cho nền kinh tế và cuộc sống an bình của người dân”, ông Chước thể hiện niềm tin tưởng.
Minh Trang
Nguồn: Baochinhphu.vn