– Sau 4 tháng đầu năm, 20.000 lao động thiếu việc làm, thấp hơn nhiều so với con số 60.000 dự báo ban đầu. Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ bù đắp được 20% doanh thu cho các doanh nghiệp dệt may.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp dệt may rất hiểu cuộc khủng hoảng bởi dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành kinh tế, nhất là các ngành có mức độ hội nhập quốc tế lớn như dệt may.
Phát biểu trong buổi Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, ông Trường nhấn mạnh: “Đặc biệt, nguồn lực của mọi Chính phủ cũng không thể đủ để hỗ trợ toàn bộ xã hội và đã có khủng hoảng thì phải có tổn thương nhưng doanh nghiệp cần xác định mình cần bảo vệ điều gì”.
Với tâm thế trên, ngành dệt may Việt Nam xác định 2 tài sản lớn nhất mà doanh nghiệp cần phải bảo vệ là lao động và trị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý giải về điều này, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, khối lượng lao động trong ngành dệt may rất lớn, phần lớn lao động kỹ năng giản đơn nên không có tích luỹ.
Do đó, các doanh nghiệp không chọn giải pháp cho lao động nghỉ chờ việc để hưởng trợ cấp của Chính phủ mà chọn sản xuất mọi mặt hàng trên trang thiết bị hiện có để ưu tiên trả lương mức tối thiểu cho người lao động, còn doanh nghiệp chấp nhận khấu hao không đầy đủ và giảm chi phí quản lý, ông Trường cho biết.
Với lựa chọn này, TGĐ Vinatex vui mừng cho biết, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp dệt may chưa phải đóng cửa ngày nào, kim ngạch xuất khẩu tính đến hết quý I/2020 chỉ giảm 2% và đến hết 4 tháng giảm 6%. Kết thúc năm 2020, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ cũng bù đắp được khoảng 20% doanh thu cho các doanh nghiệp dệt may. Đồng thời, ngành dệt may Việt Nam cũng phối hợp với các doanh nghiệp dệt may toàn cầu để thuyết phục các nhà cung ứng chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bằng việc chi trả chi phí lao động với những đơn hàng đã sản xuất.
Đến nay chỉ khoảng 20.000 lao động thiếu việc làm, thấp hơn so với dự báo 50.000 – 60.000 lao động mất việc trong giai đoạn tháng 4 – 5/2020 được đưa ra trước đó.
“Như vậy, chúng ta cũng giảm được thiệt hại 50% so với dự kiến ban đầu”, ông Trường khẳng định, kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần linh hoạt trong điều hành, cập nhật thông tin để điều chỉnh cho phù hợp với thị trường. Bởi đối với chuỗi cung ứng nếu không có hoạt động liên tục thì rất khó để đứng vững, khi nhu cầu lên từ từ sẽ ưu tiên tới những quốc gia có vị trí tốt trên chuỗi cung ứng, ông Trường nhấn mạnh.
Vì vậy, đại diện Vinatex kiến nghị Quốc hội phê duyệt và các bộ, ngành chuẩn bị nhanh các hướng dẫn để khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thì các doanh nghiệp trong đó có dệt may sẽ tận dụng được những lợi thế từ hiệp định này.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cũng kiến nghị xin miễn bảo hiểm xã hội và phí công đoàn từ tháng 5 đến hết năm 2020 để giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Trường cho biết.
HẠ AN
ADVERTISEMENT
Nguồn: bizlive.vn