TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại tọa đàm. |
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tác động của đại dịch COVID-19 tới hàng không thế giới nói chung là rất nặng nề và Vietnam Airlines không phải ngoại lệ.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không toàn cầu cần 3 năm nữa mới phục hồi về mức năm 2019. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngành này lỗ khoảng 20 tỷ USD, sau đó mỗi năm lãi 30 – 40 tỷ USD. Tuy nhiên, vì COVID-19 năm nay, ngành hàng không toàn cầu dự kiến giảm thu 419 tỷ USD, lỗ 84 tỷ USD và lỗ tiếp 15 tỷ USD năm 2021. IATA ước tính ngành hàng không cần các chính phủ hỗ trợ ít nhất 250 tỷ USD.
“Từ khi hòa bình nước ta lập lại đến giờ, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. IATA dự báo các hãng Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, Vietnam Airlines giảm doanh thu 50.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản,” ông Dương Trí Thành nói.
Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% năm ngoái nhưng doanh thu chưa phục hồi được. Ông Thành lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.
Đưa ra các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng dịch bệnh này, ông Thành cho hay, Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động)…
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ngành hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất vì dịch COVID-19. Ông Cung chỉ ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để chặn đà suy thoái kinh tế nói riêng và hỗ trợ ngành hàng không nói riêng, đặc biệt là hãng hàng không quốc gia có đầy đủ năng lực. Việc hỗ trợ từ phía Nhà nước đồng thời ở hai vai trò: Tư cách quản lý Nhà nước và tư cách người đầu tư, cổ đông, thành viên góp vốn.
Với các số liệu đầy đủ, minh bạch chứng minh tài chính bị ảnh hưởng do đại dịch và là trường hợp rất điển hình, Vietnam Airlines là hãng bay bị tác động sâu nặng nhưng cũng có thể là nhân tố đầu tiên phục hồi sau dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế, du lịch…
Ông Cung cho biết, đầu tiên, các nước trợ cấp qua miễn giảm thuế, phí. Còn với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ các nước có thể cho vay, bảo lãnh cho vay, đầu tư vốn thông qua phát hành cho cổ động hiện hữu, tăng vốn để nắm tỷ lệ sở hữu nhất định để giúp doanh nghiệp không phá sản. Chính phủ các nước đã cho vay khoảng 123 tỷ USD, trong đó có cho vay vốn, trợ cấp lương, bảo lãnh vay, tăng vốn chủ sở hữu, trợ cấp khai thác…
Ông Cung cũng nhấn mạnh, phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines là tài sản rất lớn, do đó, cần có biện pháp bảo toàn và phát triển. Hơn nữa, những khó khăn hiện nay của Vietnam Airlines là do tác động từ các yếu tố khách quan.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề cập đến nguồn tài chính hỗ trợ cho Vietnam Airlines sẽ được huy động qua các kênh nào; các kịch bản dự báo phục hồi để thuyết phục việc “rót vốn”; gỡ các vướng mắc hay khó khăn về quy định… Các chuyên gia nêu quan điểm, phải hiểu rằng các giải pháp này cũng là để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là phục hồi ngành du lịch.
Kết luận tọa đàm, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp hàng không có báo cáo tài chính công khai minh bạch nhất. Tổ tư vấn sẽ đề xuất những giải pháp như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn, giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính.
Ông Nguyễn Đức Kiên đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu một cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính…
Trước đó, ngày 29/6, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng đã họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Nhấn mạnh vị thế của Vietnam Airlines đối với nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Vietnam Airlines và các hãng hàng không trong thời gian qua để có doanh thu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chưa có xu hướng dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới. Vietnam Airlines đã làm việc với một số bộ, cơ quan liên quan đề xuất một số giải pháp.
Khẳng định tinh thần sẽ cố gắng cùng Vietnam Airlines tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành “xắn tay áo vào”, đưa ra các giải pháp cấp bách theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam.
Còn tại cuộc họp ngày 21/5 của Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines và Tập đoàn Dầu khí, Thủ tướng đề nghị 2 doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu nội bộ, trong đó có tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu lao động, tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Tăng cường quản lý kinh tế, chống thất thoát. Cố gắng giữ chân lực lượng lao động nòng cốt, ví dụ như hàng không cần giữ đội ngũ phi công hay bộ phận kỹ thuật…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xắn tay áo cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước quan trọng này, coi khó khăn của các doanh nghiệp như khó khăn của mình để tháo gỡ, tìm lối ra cách làm phù hợp.
Thanh Hằng
Nguồn: Baochinhphu.vn