Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược); Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (đề án 567) và Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã giam gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ), Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai Chiến lược và các đề án đạt nhiều kết quả quan trọng.
100% các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình phát triển thanh niên
Cụ thể, về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, kết quả tổng hợp báo cáo thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản, các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên.
Tổng kết 10 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.870 văn bản triển khai thực hiện Chiến lược; triển khai thực hiện 6 mục tiêu, 8 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên tại Quyết định số 2474 và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1042.
Tính đến tháng 12/2020, tổ chức bộ máy làm công tác thanh niên của cả nước có 13.242 người. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: 41 người; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 13.201 người (còn một số bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo đầy đủ số liệu).
Đến nay, công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc “khoán trắng” cho tổ chức đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược.
Bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ
Về Đề án 567, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý biên soạn Bộ tài liệu gồm những nội dung cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, hành chính nhà nước và quản lý nhà nước; một số kỹ năng cơ bản dành cho cán bộ công chức trẻ ở xã; chuyên đề xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Công tác dân vận; Quản lý văn hóa, xã hội, tôn giáo và dân tộc ở xã; Quản lý quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án với tổng kinh phí triển khai thực hiện là gần 29,8 tỷ đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.
Thông qua đào tạo bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã, từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Đội viên Đề án thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Với Đề án 500, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, ủy ban nhân dân 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên. Trong đó, có 115/500 đội viên (chiếm 23%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức văn phòng-thống kê; 187/500 đội viên (chiếm 37,4%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường; 45/500 đội viên (chiếm 9%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức tài chính-kế toán; 71/500 đội viên (chiếm 14,2%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức tư pháp-hộ tịch; 82/500 đội viên (chiếm 16,42%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức văn hóa-xã hội.
Có 284/500 đội viên (chiếm 56,8%) là người dân tộc Kinh và 216/500 đội viên (chiếm 43,2%) là người dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Tày, Mông, Nùng, Dao, Chăm, Ca Dong, Kor, Hre, Raglai….). Trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia Đề án chiếm gần 50% là thuận lợi rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên Đề án ở vùng dân tộc, miền núi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối với người dân tộc thiểu số.
Sau 5 năm về xã công tác, tham mưu, các đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân.
Hằng năm, phần lớn đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: Baochinhphu.vn