– Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc năm 2020, đạt 1,36 triệu, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 18% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.345 USD/ tấn.
Khai thác mủ cao su – Ảnh minh họa
ADVERTISEMENT
Dự báo, trong năm 2021 có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩucao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, năm 2020 xuất khẩu cao su ước đạt 1,75 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 3,6% về giá trị so với năm 2019. Giá xuất khẩu trung bình ở mức 1.362 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2019.
Trung Quốc – thị trường số 1 của cao su Việt Nam
Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 1,36 triệu tấn cao su, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 18% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.345 USD/ tấn. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 83,26% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020, với 987,63 nghìn tấn, trị giá 1,32 tỷ USD.
Năm 2020, một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng khá cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019 như: Latex tăng 51% về lượng và tăng 58,6% về trị giá; SVR 20 tăng 38,3% về lượng và tăng 31,2% về trị giá; cao su tái sinh tăng 21,8% về lượng và tăng 75,5% về trị giá; cao su tổng hợp tăng 305,2% về lượng và tăng 303% về trị giá.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chia sẻ: “Trung Quốc giảm mạnh lượng cao su nhập khẩu trong 2 tháng cuối năm so với những tháng trước đó, cho thấy một lượng lớn cao su nguyên liệu đã được tích lũy trong nước. Có khả năng Trung Quốc sẽ rút khỏi thị trường do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ.”
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 9,76 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 5 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc, thì Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc với 204,51 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,77% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 9,91% của 11 tháng năm 2019.
Trong năm qua, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 4,34 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 29,98% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 31,18% năm 2019.
Các yếu tố chính tác động lên thị trường cao su năm 2021
Ngành ô tô đang trên đà phục hồi bền vững ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Triển vọng về tiêu thụ cao su của Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng từ 96.000 tấn lên 1,018 triệu tấn so với con số dự đoán một tháng trước đó. Chương trình nghị sự kinh tế mới dài hạn của Trung Quốc có thể đóng góp vào tâm lý tích cực trên thị trường cao su. Các yếu tố cơ bản trên cho thấy xu hướng tích cực cho thị trường cao su.
Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tính từ đầu năm 2021, giá thu mua mủ cao su tiểu điền của Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai đã 3 lần thông báo điều chỉnh. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 14/1/2021, giá thu mua mủ nước chế biến cao su khối loại I và II giảm 8 đồng/TSC so với lần 2 còn 336 đồng/TSC cho loại I và 329 đồng/TSC cho loại II.
Theo vị lãnh đạo của VRG, có 3 yếu tố chính tác động lên giá cao su: Thứ nhất, tháng 1 là thời điểm chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, các nhà máy đóng cửa giới đầu tư phải chờ cho đến khi giao dịch bắt đầu để thăm dò diễn biến của thị trường.
Thứ hai, mặc dù đã có vaccine Covid-19 nhưng việc ngăn chặn dịch bệnh không thể thực hiện sớm trong năm 2021. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát trên thế giới và mối lo về biến chủng mới của Covid-19. Giới đầu tư sẽ thận trọng với những kịch bản không lường trước được.
Thứ ba, giá thuê container rỗng hiện đã tăng gấp 10 lần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho chi phí xuất nhập khẩu tăng rất nhiều và tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng gây nên tình trạng tồn kho như thời điểm bắt đầu dịch bệnh Covid-19.
Sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu cùng với sự giảm dần tiêu thụ của Trung Quốc trong 2 tháng qua cho thấy rằng một lượng lớn dự trữ được tích lũy trong nước, cũng cho thấy khả năng người mua Trung Quốc rút khỏi thị trường. Cụ thể hơn, nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc khó có thể duy trì do lượng hàng nội địa khổng lồ được giữ trong các công ty sản xuất hoặc được giữ trong các kho hàng nằm trong các Khu thương mại tự do hoặc khu thuế quan nội địa trong nước.
DUY KHANG
Nguồn: bizlive.vn