Việt Nam đã thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”: kiểm soát, chống dịch thành công, kinh tế khả quan khi các ngành công nghiệp vẫn giữ được tăng trưởng 2,91% – tạo đà phục hồi sau dịch.
Riêng tại TP.HCM, kinh tế có sự hồi phục và có mức tăng trưởng tích cực khi tăng 1,39%. Dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,83% của năm 2019 nhưng trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt với địa phương có thế mạnh về dịch vụ, du lịch như TP.HCM, thì đây là con số khả quan. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố.
Đó là thông tin được Hội lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 hồi cuối tuần qua.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến thực phẩm đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp Thành phố nói chung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của Thành phố, tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Trong khi phân ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trưởng khả quan khi là 2,2%. Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ các sản phẩm chế biến thực phẩm tăng 4,3% thì chỉ số phát triển công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm và đồ uống năm 2020 có giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân là do phân ngành sản xuất đồ uống giảm sâu 5,7%, khi chịu tác động kép từ Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ và đại dịch Covid-19”, bà Chi nhấn mạnh.
Tạo “cú hích” cho ngành lương thực thực phẩm và thủy sản
Năm 2021, TP.HCM xác định là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Theo đó, Thành phố đã đề ra mục tiêu, giải pháp tổng quát năm 2021 là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép” của Chính phủ: tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền đô thị.
Đây sẽ là những quyết sách quan trọng tạo sức bật hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện hiệu quả các đề án, dự án trong chương trình “Phát triển Doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020-2030”, FFA đề xuất Thành phố cho cơ chế chính sách hỗ trợ riêng gắn với sự phối hợp, tham mưu của Sở Công Thương để thu hút đầu tư thực hiện 2 đề án quan trọng được xem như cú hích không chỉ cho sự phát triển của ngành lương thực thực phẩm và cả ngành thủy sản trong thời gian tới, đó là:
Đề án phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất của ngành, vì TP.HCM là nơi tập trung số lượng lớn nhất cả nước các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, ở tất cả các loại hình quản lý với mức độ tập trung các mặt hàng sản phẩm đạt trên 70%. Do đó, giải quyết được khâu quan trọng này sẽ góp phần rất lớn cho việc hình thành nguyên liệu lớn, ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu cho doanh nghiệp thành phố.
Thứ hai là đề xuất Thành phố có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp liên kết tạo các chuỗi sản xuất – phân phối, kết nối cung – cầu, kết nối giao thương giữa TP.HCM với các địa phương khác, hướng đến phát triển liên kết vùng hiệu quả, tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn.
Bên cạnh thúc đẩy các đề án phát triển trên, FFA xem vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và là một trong nhưng tiêu chí hành động của hội Kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP, đặc biệt là vệ sinh ATTP trong hệ thống giáo dục trên địa bàn TP.HCM.
Sắp tới, FFA sẽ triển khai thực hiện chương trình “Kiểm soát dư lượng trong thực phẩm” bằng việc ban hành quy định về sử dụng nhãn ATTP đối với sản phẩm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn của hội.
Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp trong việc kiểm định, khẳng định chất lượng sản phẩm, nâng cao nhận dạng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đối với các thương hiệu hàng hóa từ các nước khác.
“FFA đang phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để hoàn thành các tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật và làm việc với Phòng quản lý Công nghiệp – Sở Công thương TP.HCM đưa chương trình chuẩn hóa logo FFA vào kế hoạch điều hành ngành lương thực thực phẩm của Sở Công thương trong thời gian tới”, bà Chi cho biết.