Trong một bài viết đăng trên tờ The Epoch Times vào ngày 8/4, ông Heng He, nhà bình luận của Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope Radio) và là một chuyên gia phân tích về các vấn đề Trung Quốc cho đài truyền hình NTD, đã nói về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có nên hợp tác để cùng nhau giải quyết dịch viêm phổi Vũ Hán hay không.
Ông He cho biết, gần đây, một nhóm gồm 100 học giả Trung Quốc đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác để chống lại virus Vũ Hán. Sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã thúc đẩy ý tưởng này trong một bài bình luận (op-ed – ngược chiều) trên tờ New York Times. Theo ông He, rõ ràng, đây là nỗ lực mới của ĐCSTQ nhằm biến làn sóng chống lại họ thành lợi thế.
Trước khi bàn về hợp tác Mỹ – Trung, có lẽ nên quay lại nhìn vào bản chất dối trá của chính quyền Bắc Kinh. Tại sao chính phủ Trung Quốc lại nói dối về Đại dịch Vũ Hán?
Đại dịch bắt nguồn từ sự dối trá
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau đã làm mọi cách để che giấu sự bùng phát của dịch bệnh và nói dối người dân Trung Quốc và người dân thế giới.
Cụ thể, nhà cầm quyền Trung Quốc đã trừng phạt bác sĩ Ai Fen, người đầu tiên bày tỏ nghi ngờ về sự xuất hiện của một loại virus mới giống SARS, và bác sĩ Lý Văn Lượng, người lên tiếng cảnh báo về bệnh viêm phổi lạ đồng thời Bắc Kinh cũng che giấu việc virus có thể truyền từ người sang người.
Cho tới nay, không ai biết có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh và bao nhiêu người đã chết vì virus Vũ Hán ở Trung Quốc. Sự dối trá và che đậy này đã gây ra tổn thất to lớn trên toàn cầu.
Câu hỏi thực sự là: Nếu họ có cơ hội để sửa sai, liệu có sự khác biệt nào không? Câu trả lời là không. ĐCSTQ sẽ vẫn làm như vậy bởi vì toàn bộ hệ thống này đều dựa trên sự dối trá và được thiết kế để lừa dối. Không có chỗ cho sự thật dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Hãy nhớ rằng, trước đó ĐCSTQ đã trừng phạt bác sĩ Lý vì đã nói sự thật về sự xuất hiện của virus corona chủng mới. Ngoài ra, ba phóng viên công dân, Trần Thu Thực (Chen Shiqiu), Phương Bân (Fang Bin) và Li Zehua đã bị cảnh sát Vũ Hán bắt cóc. Họ có tội gì? Họ chẳng qua chỉ là nói về những gì đã xảy ra ở Vũ Hán trong thời gian phong tỏa, và giờ họ vẫn đang mất tích.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn sau khi dịch SARS kết thúc, rằng rốt cuộc Trung Quốc đã rút ra được bài học nào, chuyên gia chống virus hàng đầu của nước này, Tiến sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nói rằng lần tới sẽ không có chuyện che đậy. Và sự thật là, lần này, ĐCSTQ lặp lại mọi sai lầm mà nó đã gây ra trong đợt dịch SARS.
Điều duy nhất có thể tin được là nếu có một đợt bùng phát dịch khác trong tương lai, hẳn họ sẽ vẫn tiếp tục che đậy và dối trá.
Những lời nói dối không chỉ tồn tại trong bộ máy tuyên truyền và trong hệ thống giáo dục mà nó còn tồn tại ở khắp mọi nơi trong đất nước Trung Quốc. Đối với các quan chức Trung Quốc, không phải là tìm hiểu xem lý do tại sao họ nói dối, mà là họ chưa bao giờ học cách nói thật. Ngoài ra, những lời nói dối của ĐCSTQ được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật. Bất cứ ai cố gắng vạch trần sự dối trá của Bắc Kinh sẽ bị hệ thống pháp luật trừng phạt.
Hợp tác hay không
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trung Quốc đã mua gần như toàn bộ kho khẩu trang của Hoa Kỳ, từ khẩu trang thông thường đến khẩu trang N95, khiến nhân viên y tế của Mỹ không có đủ vật tư y tế cho việc bảo hộ trước virus. Đây không phải là hành động đơn lẻ của một số công ty và người Hoa ở nước ngoài, mà được cho là đã lên kế hoạch và tổ chức tốt bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Nếu mọi người đồng ý với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hợp tác để chống lại virus Vũ Hán, điều đầu tiên họ cần làm là yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngừng nói dối và cung cấp dữ liệu thật về dịch bệnh cho cộng đồng quốc tế.
Sự hợp tác chỉ có thể bắt đầu bằng niềm tin. Trước một đại dịch đang lan rộng khắp toàn cầu, có lẽ đây là lần cuối để thế giới hiểu rõ và thức tỉnh về bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Theo Heng He / The Epoch Times
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
Nguồn dkn.tv