Ông Lý Trụ Minh (Martin Lee) là một nhà lập pháp lão làng của Hồng Kông. Được mệnh danh “cha đẻ của nền dân chủ Hồng Kông”, ông từng tham gia nhóm soạn thảo Luật Cơ Bản – bộ luật nền tảng được áp dụng sau khi đặc khu này được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. Hôm 18/4, ông bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ cùng 14 nhà hoạt động khác, với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2019.
Các vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ sau khi Văn phòng Liên lạc Trung Quốc ở Hồng Kông tuyên bố họ không bị ràng buộc bởi Luật Cơ bản, khi luật này cấm chính phủ Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, theo bài báo của tờ Hong Kong Free Press (HKFP) đăng ngày 19/4.
Bối cảnh Tuyên bố chung Trung – Anh
Vào những năm 1980, khi được biết rằng Trung Quốc sẽ giành lại chủ quyền đối với Hồng Kông vào năm 1997, khắp Hương Cảng xôn xao lo sợ, hàng chục ngàn người đã di cư và mức độ tín nhiệm trong giới kinh doanh cũng bị xáo động.
Nhằm ngăn chặn sự chảy máu chất xám và vốn, Anh và Trung Quốc năm 1984 đã ký Tuyên bố chung Trung – Anh, thỏa ước hứa hẹn với Hồng Kông “một mức độ tự trị cao” trong ít nhất 50 năm sau khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát.
“Vào lúc đó Bắc Kinh lo lắng tất cả người dân sẽ rời đi. Để thu phục nhân tâm, Bắc Kinh hứa sẽ cho phép người dân Hồng Kông điều hành Hồng Kông và có quyền tự trị cao”, ông Lý Trụ Minh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ HKFP trước khi ông bị bắt giữ hôm 18/4.
Ông Lý Trụ Minh, một chính khách, luật sư, 81 tuổi. Ông là người sáng lập Đảng Dân chủ Thống nhất Hồng Kông và là cố vấn cao cấp của đảng này.
Ông là một trong 23 người Hồng Kông trong tổng số 59 người thuộc Ủy ban soạn thảo Luật Cơ bản Hồng Kông. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban diễn ra vào tháng 7/1985 tại Bắc Kinh. Khi đó, đã có những kỳ vọng lớn rằng chính quyền Trung Quốc sẽ thay đổi để trở nên tử tế hơn.
Nổi lên sau khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động năm 1976, nhà nước Trung Quốc khi đó đang trong thời kỳ cải cách mở cửa, quá trình tự do hóa kinh tế và chính trị đang được triển khai.
Trái ngược với mối quan hệ Đặc khu và Đại lục đang căng thẳng hiện nay, thời điểm đó, giữa Hồng Kông và Trung Quốc có mức độ tin cậy khá cao. Ông Lý mô tả, thời gian ông soạn thảo Luật Cơ bản từ năm 1985 đến năm 1989 là giai đoạn ông cảm thấy “thỏa nguyện”, cho đến khi ông rời khỏi Ủy Ban như một động thái biểu tình vào năm 1989, khi Bắc Kinh đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.
“Có một sự tin tưởng lẫn nhau vào thời điểm đó, người Hồng Kông tin tưởng chính phủ Trung Quốc”, HKFP hôm 18/4 dẫn lời ông Lý cho biết. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế này. Chúng tôi đặt tất cả hy vọng của chúng tôi vào Luật Cơ bản và hy vọng nó sẽ bảo vệ mọi thứ trong 50 năm tới”.
Niềm tin đó đã dần trở nên u ám trong gần hai thập niên kể từ khi Hồng Kông về lại dưới sự cai trị của Trung Quốc và xung đột giữa Đặc khu và Đại lục gia tăng.
ĐCSTQ gia tăng kiểm soát Hồng Kông
Trong những năm qua, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đặc khu, đặc biệt sau cuộc tuần hành năm 2003 kháng nghị việc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy Điều 23 trong Luật Cơ bản, và một lần nữa là Phong trào Ô dù năm 2014.
Sự xói mòn các quyền chính trị, tính pháp quyền và một loạt các quyền tự do dân sự cơ bản khác đã bị đẩy tới đỉnh điểm với sự bất mãn lan rộng trong công chúng Hồng Kông. Các cuộc tuần hành của người dân Hồng Kông chống dự luật dẫn độ vào năm ngoái đã bùng nổ thành các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng.
Vào tháng 6/2014, nhân kỷ niệm 30 năm Tuyên bố chung, Bắc Kinh ra một sách trắng khẳng định chính phủ Trung Quốc có quyền tài phán toàn diện đối với Hồng Kông. Đây là “cú đánh mạnh nhất” vào Luật Cơ bản, ông Lý cho biết.
“Đây là một điều hoàn toàn khác so với những gì họ nói trước đây”, ông Lý cho biết. “Giờ đây, họ đang nói rất rõ ràng, ĐCSTQ sẽ cai trị Hồng Kông chứ không phải người Hồng Kông điều hành Hồng Kông. Nếu vậy, chúng tôi sẽ phải làm bất cứ điều gì họ bảo. Họ đã hoàn toàn phá vỡ lời hứa của họ”.
Luật Cơ bản Hồng Kông
Điều 45 và 68 trong Luật Cơ bản quy định, đặc khu trưởng và các thành viên của Hội đồng lập pháp Hồng Kông được bầu thông qua bầu cử phổ thông.
Điều 22 quy định chính phủ đại lục không thể can thiệp vào các vấn đề ở Hồng Kông.
Ông Lý cho biết, sự mất cân bằng chính trị chỉ làm trầm trọng thêm những tai ương của Hồng Kông.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn nắm quyền, mức độ tự do của chúng tôi ở mức độ nào là do họ muốn, nhưng họ cũng có thể tước đoạt đi bất kỳ lúc nào”, ông Lý nói. “Họ muốn một con ngỗng đẻ trứng vàng nhưng không thể chịu được nếu con ngỗng không vâng lời”.
Đối với những người trẻ Hồng Kông, ông Lý nói: “Nếu tôi còn trẻ, tôi cũng sẽ ở trên chiến tuyến”. Nhưng ông kêu gọi họ kiềm chế không dùng bạo lực. “Có rất nhiều vụ bắt giữ và tống giam, có thể nhiều người đã coi đó là hành vi anh hùng … nhưng nó chỉ có hiệu quả khi sự hy sinh của bạn mang lại kết quả xứng đáng”.
Ông Lý cho biết: “Bạo lực không phải là giải pháp. Các quốc gia nước ngoài chỉ có thể hỗ trợ chúng ta khi không có bạo lực”, và ông nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ duy trì Luật Cơ bản vì đây là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý đã được đăng ký với Liên Hợp quốc.
Phim “Lá thư từ Mã Tam Gia: Máu và Nước mắt đằng sau các sản phẩm “Made In China”
videoinfo__video3.dkn.tv||78dd713a2__
Theo HongKong Free Press
Triệu Hằng dịch và biên tập
Nguồn dkn.tv