Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, các đại biểu (Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia giáo dục,…) đã thảo luận phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.
Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hoá
Các đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc của thi tốt nghiệp phổ thông là “học gì, thi nấy” để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hoá của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Các đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề cương để các trường tổ chức giảng dạy và ôn tập cho học sinh sau khi đi học trở lại.
Các ý kiến đã thống nhất đây là kỳ thi thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 và lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới giáo dục đại học.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kỳ thi năm nay phải tổ chức lùi lại sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực, vì vậy, kỳ thi phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Và phương án được thảo luận đến bây giờ Bộ Tư pháp thấy rằng cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phương án tổ chức thi đã được chuẩn bị chi tiết, các đại biểu bàn thảo kỹ, thống nhất cao. Bà Minh cũng tán thành đề xuất giao sâu thẩm quyền cho địa phương trong tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, tiết kiệm kinh phí cho xã hội,… phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang phải chống dịch.
Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Các ý kiến cũng thống nhất giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đảm bảo kỳ thi khách quan, trung thực, chất lượng
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch, trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.
Việc tổ chức kỳ thi cũng nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy;…
Sau khi có kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các em học sinh,… để sớm hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong bối cảnh ngành giáo dục phải điều chỉnh chương trình cả về khối lượng và thời gian do dịch bệnh COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sẽ diễn ra sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực.
Bản chất của kỳ thi này cũng như lộ trình đổi mới thi cử là dần tiến tới là một kỳ thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm yêu cầu tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc, khách quan, trung thực và không nặng nề quá mức cần thiết.
Một khi kỳ thi được tổ chức khách quan, kết quả trung thực thì không chỉ giúp cho công tác đánh giá, đổi mới chương trình và phương thức dạy học ở phổ thông mà cũng giúp các trường đại học có thêm cơ sở để phục vụ cho mục đích tuyển sinh trên tinh thần tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
Câu chuyện thi cử luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và nhân dân, do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời để học sinh, giáo viên, kể cả các trường đại học chủ động phương án học tập, ôn thi cũng như chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp.
Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh Liên quan đến công tác tuyển sinh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp năm nay do các trường tự chủ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học, gắn với lộ trình đổi mới giáo dục đại học trong những năm qua. Thực tế công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây chỉ có khoảng 10% các trường tốp trên hình thành nhóm có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc sử dụng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; còn lại các trường kết hợp xét tuyển qua học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào;… Các trường có thể chủ động thi tuyển theo nhiều đợt, bằng nhiều hình thức nên sẽ hạn chế được tình trạng thí sinh và gia đình tập trung về các thành phố lớn, gây lãng phí, căng thẳng xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường tổ chức tuyển sinh theo quy định của pháp luật. |
Trần Mạnh – Đình Nam
Nguồn: Baochinhphu.vn