Cụ thể, thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày 20/1/2020 của Bộ Y tế, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khẩn trương xem xét, đề xuất định hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vaccine BCG phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tác cho biết, các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đề cương đề xuất hướng nghiên cứu. Sau khi đề xuất này được gửi về Cục, Cục sẽ báo cáo Bộ Y tế để thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ để thẩm định đề cương nghiên cứu. Hội đồng này sẽ bao gồm hội đồng về nghiên cứu khoa học, hội đồng đạo đức. Nếu đề cương được thẩm định thì các đơn vị liên quan mới bắt đầu nghiên cứu.
Ông Phạm Văn Tác cũng cho biết, hiện Cục chưa tiếp nhận hồ sơ, đề cương của hướng nghiên cứu này. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, vaccine phòng lao BCG được sử dụng từ hơn 30 năm nay và là một trong những vaccine cơ bản được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thông tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo chính thức về việc chưa có các bằng chứng chính xác việc vaccine phòng lao có thể giúp phòng dịch COVID-19. WHO yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến cần tiếp tục triển khai tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh.
Vaccine BCG có hiệu quả phòng các thể lao màng phổi và lao màng não. Tuy nhiên, hiệu quả yếu hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và ở người lớn tuổi. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao, trẻ sơ sinh thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn này từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vaccine BCG không có hiệu quả nếu trẻ đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Việc tiêm nhắc lại vaccine không được khuyến khích. Thậm chí, trong trường hợp không có sẹo (tại vết tiêm) sau khi tiêm chủng cũng không yêu cầu tiêm nhắc lại.
Ngoài ra, với vaccine BCG nên lưu ý, chống chỉ định với phụ nữ có thai, trường hợp bị AIDS, trẻ có mẹ nhiễm HIV không tuân thủ liệu trình điều trị, xạ trị, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng.
Tại Việt Nam, chỉ khuyến cáo sử dụng vaccine BCG cho người lớn làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi khuẩn lao.
Thuý Hà
Nguồn: Baochinhphu.vn