Trong khi dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất các biện pháp nhằm xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Lời kêu gọi của ông Abe đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi trong giới chính trị ở Trung Quốc. Một nguồn tin trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang có những lo ngại nghiêm trọng về việc các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Nếu đại dịch viêm phổi Vũ Hán không xảy ra, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên và kết thúc bằng việc ông Tập tự hào tuyên bố “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung – Nhật. Tuy nhiên, mối quan hệ Trung – Nhật giờ đang đứng giữa ngã tư đường khi chuyến đi của ông Tập bị hoãn lại.
Có thể nhìn thấy những tín hiệu sớm nhất về chính sách mới của ông Abe từ ngày 5/3. Cụ thể, trong cuộc họp Hội đồng về Đầu tư cho tương lai, ông Abe cho biết, ông muốn các cơ sở sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ trở về Nhật Bản. Một cách tình cờ, ngày 5/3 cũng là ngày công bố hoãn chuyến thăm Nhật của ông Tập.
“Do virus corona, sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đến Nhật Bản ít hơn”, ông Abe nói trong cuộc họp. “Mọi người đang lo lắng về chuỗi cung ứng của chúng ta”.
“Chúng ta nên cố gắng di dời các mặt hàng có nhiều giá trị gia tăng trở về Nhật Bản”, ông cho biết. “Và đối với những mặt hàng khác, chúng ta nên đa dạng hóa sản xuất tại nhiều quốc gia như các nước ASEAN”.
Ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp nhằm kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng đã bị tấn công bởi dịch bệnh. Chính phủ dành khoảng 2,2 tỷ USD trong kế hoạch ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về nước hoặc chuyển đến các nước Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa sản xuất.
Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, đã có những cuộc họp bàn đến sự phụ thuộc về chuỗi cung ứng của Mỹ vào Trung Quốc.
Nếu cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, đều rời khỏi Trung Quốc, việc này sẽ tạo ra tác động rất lớn đến nền kinh tế nước này.
Năm Canh Tý 2020 sẽ như thế nào đối với Trung Quốc?
Hiện tại, đang có một chủ đề được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức Trung Quốc, đó là, dựa theo biểu đồ chiêm tinh học của nước này, năm Canh Tý 2020 là năm chuột vàng, 60 năm mới có một lần. Tuy nhiên, năm Canh Tý thường được cho là năm mà Trung Quốc xảy ra các biến động lịch sử lớn.
Ví như, vào năm 1840, dưới triều đại nhà Thanh, chiến tranh nha phiến nổ ra đã dẫn đến sự đình trệ của Trung Quốc kéo dài hơn một thế kỷ.
Sáu mươi năm sau, vào năm 1900, đến cuối triều đại nhà Thanh, một liên minh 8 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản, Áo – Hungary đã bao vây, chiếm đóng Bắc Kinh, được gọi là năm Quốc nạn Canh Tý.
Tiếp theo, vào năm 1960, xảy ra nạn đói do cuộc cách mạng Đại nhảy vọt gây ra. Yang Jisheng, cựu nhà báo của Tân Hoa Xã đã tiết lộ rằng, có tới 36 triệu người đã chết vì nạn đói này, vượt xa con số mà chính phủ Trung Quốc công bố.
Hiện tại, với năm 2020, mặc dù Trung Quốc đã đi qua đỉnh của dịch bệnh, nhưng nhóm chuyên gia lâm sàng nghiên cứu về virus Vũ Hán của nước này cảnh báo đợt bùng phát thứ hai có thể xảy ra vào tháng 11 hoặc muộn hơn. Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn cho biết, chủng virus corona mới đã đột biến và tỷ lệ tử vong do virus này gây ra có thể đạt đến mức cao hơn 20 lần so với bệnh cúm thông thường.
Trong quá khứ, đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1920 cho thấy, làn sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn lần đầu. Hồi đó, ước tính 1/3 dân số trên trái đất với khoảng 500 triệu người đã bị nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong.
Virus Vũ Hán xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó lan rộng ra toàn cầu. Cuộc đàn áp những người đã cố gắng cảnh báo cho công chúng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và việc trì hoãn những phản ứng ban đầu của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế nổi giận.
Ngoài ra, Tổng thống Trump đã gọi virus corona chủng mới là “virus Trung Quốc” và yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hậu quả của dịch bệnh. Nếu các công ty lớn của nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, bao gồm các công ty của Nhật Bản, đó sẽ là “đòn chí mạng” đánh vào kinh tế của quốc gia này.
Theo Nikkei Asian Review
Tuệ Minh dịch và biên tập
Nguồn dkn.tv