(Chinhphu.vn) – Sáng 24/9, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dự Đại hội.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu |
Với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”, Đại hội có sự tham dự của 347 đại biểu, đại diện cho gần 43.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua tạo thêm thế và lực mới để tỉnh phát triển bứt phá. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo để vượt qua.
Để Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp, đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, có chất lượng vào Dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và văn kiện Dự thảo trình Đại hội Đại biểu lần thứ VII của Đảng bộ tỉnh; sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có trí tuệ, năng lực vượt trội trong lãnh đạo, quản lý để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII và bầu vào Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong bối cảnh đất nước và địa phương có nhiều thời cơ thuận lợi, tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, tận dụng và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh luôn duy trì phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô GRDP đứng thứ 3 cả nước và luôn là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về đóng góp ngân sách. GRDP trừ dầu khí tăng bình quân 6,10%/năm. GRDP trừ dầu khí bình quân đầu người đạt 6.903 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, có chọn lọc, tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8,36%/năm. Hệ thống cảng biển có sự chuyển biến mạnh mẽ, dịch vụ hậu cần cảng được quan tâm đầu tư và đạt kết quả tích cực.
Du lịch tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư lớn. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, đạt 22,1 tỷ USD. Nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo chuyển biến rõ nét ở các vùng nông thôn.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Tính năng động của bộ máy, sự minh bạch, hiệu quả trong giải quyết các thủ tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp được nâng lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 233.162 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp tăng 49,3%, đóng góp cho ngân sách tăng 55,11%, giải quyết việc làm cho 119.806 lao động.
Tổng thu ngân sách khoảng 384.830 tỷ đồng, luôn đứng top đầu cả nước về đóng góp ngân sách quốc gia. Cơ cấu nguồn thu thay đổi theo hướng bền vững, tỷ trọng thu nội địa vượt cao so với thu từ dầu khí, thu nội địa đạt 154.862 tỷ đồng, chiếm 40,24%.
Tỉnh ưu tiên chi cho đầu tư phát triển và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 0,8%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng. Các cấp uỷ đảng đã phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu |
Nhiệm kỳ tới đây, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7,6%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 10.370 USD. Cơ cấu kinh tế trừ dầu khí: Công nghiệp-xây dựng 61,76%, dịch vụ 29,46%, nông nghiệp 8,78%. Thu hút mới ít nhất 3,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI và 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm khoảng 296.466 tỷ đồng. Tổng thu nội địa khoảng 209.928 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách khoảng 116.257 tỷ đồng và đến năm 2025, tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh đưa ra các giải pháp như tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép-Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Nghiên cứu triển khai, thu hút đầu tư cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt tạo động lực mới cho phát triển du lịch. Tiếp tục cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng; duy tu, nạo vét, bảo đảm an ninh, an toàn trên các tuyến luồng hàng hải và tại các bến cảng.
Tập trung triển khai các dự án: Đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Long Sơn-Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải; xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm Kiểm tra chuyên ngành tập trung, thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa.
Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển đồng bộ 8 loại hình du lịch gắn với tăng cường quản lý hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử và sinh thái, đồng thời bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiện đại.
Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế tạo, chế biến gắn với công nghệ thông minh, chú trọng công nghiệp xanh. Thu hút vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp quy mô lớn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành mô hình cụm liên kết, chuỗi giá trị. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương trong phát triển chuỗi cung ứng. Thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp, giám sát chặt chẽ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh cũng hỗ trợ, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp nhằm tăng thêm năng lực mới, tốc độ tăng trưởng như Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất Poly propylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng; quan tâm thúc đẩy triển khai đầu tư các dự án điện khí, năng lượng tái tạo có quy mô lớn.
Nguồn: Baochinhphu.vn