FPT là một trong những cổ phiếu thường xuyên kín room ngoại và nhà đầu tư nước ngoài thường phải trả thêm một khoản thặng dư lớn nếu muốn sở hữu cổ phiếu này.
Macquaire Bank Limited vừa thông báo đã hoàn tất bán ra 3,3 triệu cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) qua đó giảm sở hữu từ 40,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,15%) xuống còn 37 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,73%) và không còn là cổ đông lớn từ ngày 8/1/2021.
Nhiều khả năng lượng cổ phiếu do Macquaire Bank Limited bán ra đã được các nhà đầu tư nước ngoài hấp thụ hết bởi thống kê cho thấy FPT vẫn luôn trong tình trạng kịch room ngoại (49%) trong suốt thời gian quỹ ngoại trên thực hiện giao dịch.
Thực tế, FPT là một trong những cổ phiếu rất “đắt hàng” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Do thường xuyên kín room, khối ngoại thường phải mua bán thỏa thuận ngoài sàn cộng thêm một tỷ lệ thặng dư (premium) so với giá trên sàn.
Trong một báo cáo vào tháng 8/2020, Dragon Capital từng tiết lộ tỷ lệ premium của một số cái tên “hot” trên thị trường trong đó FPT nằm trong số có tỷ lệ này cao nhất vào khoảng 20%. Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động có tỷ lệ premium cao nhất lên đến 45%.
Trên thị trường, cổ phiếu FPT đang trong nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng bển bỉ lên thiết lập đỉnh lịch sử mới. Cổ phiếu này kết thúc phiên 18/1 tại mức giá 66.300 đồng/cổ phiếu, tăng 12% so với đầu năm và gấp đôi đáy Covid thời điểm cuối tháng 3/2020.
Về kết quả kinh doanh, sau 11 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 24.533 tỷ đồng và 4.439 tỷ đồng, tăng 7,4% và 10,1% so với cùng kỳ. So sánh với các công ty cùng ngành lớn tại Ấn Độ như TCS (-2,9%), Infosys (2,4%), Wipro (-2,8%), FPT vẫn đang giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
THANH HÀ
Nguồn: bizlive.vn