Trong một bài bình luận đăng trên Uca News, nhà hoạt động nhân quyền Benedict Rogers cho rằng bên cạnh việc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm gây ra đại dịch, thì những kẻ tra tấn các học viên Pháp Luân Công một cách tàn bạo thời trung cổ, cũng phải bị trừng trị.
Là Phó chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ (Anh) và là Chủ tịch của Tổ chức nhân quyền phi chính phủ ‘Hong Kong Watch’, ông Rogers cho hay “ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân sâu xa của đại dịch virus corona, và nhiều người cho là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm vì đã che đậy, bịt miệng những người tố giác và thiếu minh bạch về số người chết, số người lây nhiễm”.
Ngoài ra, theo ông Rogers, nếu thế giới “buộc chế độ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình liên quan đến đại dịch, thì có một hành động tàn bạo khác liên quan đến ngành y tế mà chúng ta không nên bỏ qua”. Đó là các báo cáo về nạn mổ cướp nội tạng từ những tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa án Xét xử Trung Quốc
Tháng trước, Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal), một cơ quan độc lập được thành lập vào năm 2018 tại London, đã công bố phán quyết cuối cùng.
Kết luận của phán quyết là những lời luận tội rõ ràng. Phán quyết nêu rõ: “Hơn một thập kỷ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bị cáo buộc công khai về những hành động tàn ác và độc địa, so sánh ngang với sự tàn ác và độc địa của những kẻ tra tấn và hành quyết thời trung cổ. Nếu những lời buộc tội là đúng, thì hàng ngàn người vô tội đã bị giết – theo yêu cầu – để lấy đi các bộ phận cơ thể sống như thận, gan, tim, phổi, giác mạc và da để trở thành hàng hóa buôn bán”.
Tòa án nhân dân độc lập này có chủ tọa là luật sư Geoffrey Nice QC, người đã khởi tố [cựu Tổng thống Serbia] Slobodan Milosevic, được lập ra với nhiệm vụ trả lời cho câu hỏi: Những cáo buộc khủng khiếp này có đúng không? và nếu vậy thì nó có nghĩa gì trong luật pháp quốc tế?
Hội đồng xét xử có 7 thành viên, bao gồm: 4 luật sư giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp lý khác nhau, 1 chuyên gia y tế nổi tiếng, 1 học giả và 1 doanh nhân.
“Tất cả các thành viên này trước đây đều không tham gia, hoặc biết về nạn mổ cướp nội tạng, và chỉ có 1 người có chuyên môn cụ thể về Trung Quốc, vì vậy không ai có thể buộc tội họ là những người từng trải hoặc các nhà hoạt động, hoặc tệ hơn, là những người chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc”, ông Rogers lưu ý.
Theo ông Rogers, “họ thực sự độc lập, và thực hiện các kỹ năng của mình để đánh giá những bằng chứng được đưa ra cho họ. Họ được hỗ trợ bởi một cố vấn, người tương tự trước đây không có liên quan đến Trung Quốc, và họ đã hỏi ý kiến của 2 chuyên gia pháp lý độc lập khác”.
Vào tháng 12/2018, tòa án đã đưa ra một phán quyết tạm thời, nêu rõ rằng dựa trên bằng chứng đã được trình bày, họ đã “chắc chắn – nhất trí và chắc chắn không có sự nghi ngờ nào – rằng ở Trung Quốc, nạn mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm, đã xảy ra trong một khoảng thời gian đáng kể, liên quan đến một số lượng rất lớn nạn nhân”. Nhưng khi công bố phán quyết tạm thời, Tòa án đã mời và trao cho Trung Quốc một cơ hội để đưa ra bằng chứng chống lại. Lời mời đó, cũng như 5 yêu cầu khác gửi đến Trung Quốc, mời tham gia vào phiên xét xử. Nhưng Bắc Kinh đã im lặng.
Vào tháng 6/2019, tóm tắt bản án cuối cùng đã được công bố, trong đó nhắc lại kết luận rằng, tội ác mổ cướp nội tạng đã được thực hiện. Đó là “một tội ác chống lại loài người”. Phán quyết lập luận những kẻ dính líu với chế độ ĐCSTQ, phải nhận thức được rằng họ “đang tương tác với một quốc gia tội phạm”.
Pháp Luân Công bị nhắm làm mục tiêu
Ông Rogers cho hay phán quyết đầy đủ, được Tòa án Xét xử Trung Quốc công bố vào tháng 3/2020, có tới 160 trang, nhưng với các phụ lục, bao gồm tất cả các bằng chứng bằng văn bản, có tổng cộng 562 trang.
“Phán quyết này cung cấp một bản báo cáo chi tiết về cách tòa án đưa ra những kết luận của mình như thế nào”, ông Rogers giải thích.
Phán quyết viện dẫn các cuộc gọi điện thoại bí mật, cho thấy cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra các chỉ thị bằng văn bản để thu hoạch nội tạng, đặc biệt từ các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện Phật gia.
Phán quyết cũng viện dẫn các cuộc điện thoại, trong đó các bác sĩ từ các bệnh viện cấy ghép hàng đầu Trung Quốc thừa nhận rằng các nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công dường như là có sẵn.
Phiên tòa đã nghe lời khai từ 28 nhân chứng, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình về các sự kiện liên quan đến mổ cướp nội tạng. Phiên tòa cũng đã nhận thêm 16 tuyên bố làm chứng bằng văn bản, nghiên cứu và đọc thêm hàng ngàn trang tài liệu từ các chuyên gia. Tất cả điều này được công bố trên trang web của tòa án.
Hai trong số những vấn đề cốt yếu đối với Trung Quốc, mà Tòa án đặt ra là: (1) Làm thế nào có thể giải thích được sự khác biệt giữa số ca phẫu thuật cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc với số lượng người hiến tặng đã đăng ký? và (2) Làm thế nào để giải thích sự sẵn có của các nội tạng phù hợp cho các bệnh nhân trong một khung thời gian ngắn đáng kinh ngạc như vậy?
Phán quyết lưu ý: “Có một số lượng rất lớn các ca cấy ghép đã được thực hiện tại Trung Quốc.Tòa án đánh giá số lượng các ca cấy ghép từ 60.000 đến 90.000 mỗi năm trong những năm 2000-2014, là những con số đáng tin. Khi so sánh với số lượng những người đăng ký hiến tạng đủ điều kiện cho đến năm 2017, là 5.146 người, con số đó cho thấy một sự thiếu hụt không thể hiểu được”.
Cho rằng “để đạt được số lượng ca cấy ghép đã thực hiện – trước và kể từ năm 2017, năm ước tính gần đây nhất – phải tồn tại một nguồn khác hoặc các nguồn khác của các mô tạng”, tòa án kết luận: “Các bệnh viện ở Trung Quốc đã tiếp cận được với một quần thể những người hiến tặng, nội tạng của họ có thể lấy đi khi có nhu cầu”.
Dựa trên các bằng chứng, phán quyết khẳng định “mổ cướp nội tạng đã xảy ra ở nhiều nơi ở Trung Quốc, nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất là 20 năm, và tiếp tục cho đến ngày nay”.
Mặc dù không kết luận hẳn là tội diệt chủng, phán quyết nhấn mạnh: “không nghi ngờ gì về những hành vi bạo lực được thực hiện là biểu hiện của tội ác diệt chủng”, đặc biệt chống lại các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.
Ông Rogers cho rằng không còn nghi ngờ gì nữa, việc mổ cướp nội tạng cấu thành tội ác chống lại loài người. Theo phán quyết của tòa án, đó là “sự vi phạm lớn nhất có thể xảy ra đối với nhân quyền của một người, và là một trong những tội ác tàn bạo nhất thế giới đã phạm phải” trong thời hiện đại.
Mổ cướp nội tạng trong đại dịch Covid-19?
Hôm 29/2/2020, Trung Quốc tuyên bố một bước đột phá y tế lớn, rằng họ đã tiến hành thành công một ca phẫu thuật ghép 2 phổi cho nạn nhân virus corona trong tình huống khẩn cấp.
Theo ông Rogers, việc thực hiện ghép phổi do bị nhiễm Covid-19 trong bối cảnh đại dịch, với thời gian chờ đợi rất ngắn để có được phổi của những người hiến tặng, làm gia tăng sự nghi ngờ về nguồn gốc của các nội tạng này. Những câu hỏi nghiêm túc cần được đưa ra về việc làm thế nào tìm được người hiến tạng nhanh như vậy?
videoinfo__||cfb9a7275__
Kể từ đó, ít nhất 3 ca phẫu thuật ghép 2 phổi khác đã được báo cáo, với thời gian chờ đợi chỉ vài ngày.
“Một lần nữa, làm thế nào là điều này có thể xảy ra? Để ghép 2 phổi, bạn không chỉ cần có máu và mô thích hợp mà cần cả kích thước thân thể của người hiến tạng với người nhận phù hợp. Mặc dù là khác nhau, nhưng ở hầu hết các nơi trên thế giới thời gian chờ đợi dự kiến là ít nhất từ 3 đến 6 tháng, chứ không phải vài ngày. Vì vậy, các nhà chức trách Trung Quốc phải được hỏi lại câu hỏi: làm thế nào họ có thể có nguồn và thực hiện ghép phổi nhanh như vậy?”, ông Rogers chất vấn.
Theo ông Rogers, “bi kịch là ở chỗ, giữa tất cả những cái chết và sự hủy diệt khác do Covid-19 gây ra, [họ] có thể thúc đẩy thương mại thu hoạch nội tạng nghiệt ngã ở Trung Quốc. Bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng thường báo cáo suy nội tạng, đặc biệt là với gan và do đó nhu cầu về nội tạng sẽ tăng cao. Thế giới không thể bỏ qua phán quyết của Toà án Xét xử Trung Quốc này”.
Buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm
Ông Rogers cho hay có một số cách thức có thể thực hiện.
Thứ nhất, như Toà án đã lưu ý, một cách thức có thể là thông qua Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến pháp lý về việc liệu nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc có cấu thành tội diệt chủng, chống lại Pháp Luân Công, chống lại người Duy Ngô Nhĩ hay bất kỳ quần thể dân chúng khác bị nhắm làm mục tiêu, hay không?
Theo ông Rogers, không cần Trung Quốc phải đồng ý với yêu cầu này. Đó sẽ là một câu hỏi liệu có đủ các quốc gia thành viên trong Đại hội đồng [LHQ], có can đảm để thông qua một nghị quyết về vấn đề này hay không?
Nguyên tắc ‘Trách nhiệm bảo vệ’ [R2P] – được LHQ thiết lập trong năm 2005 nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người – có thể được viện dẫn, để yêu cầu chính phủ các nước thành viên phải can thiệp để ngăn chặn những tội ác này.
Tuy nhiên, theo ông Rogers, “điều này bị hạn chế bởi quyền phủ quyết của Trung Quốc đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng ngay cả việc yêu cầu cũng sẽ giúp cảnh báo cộng đồng quốc tế về mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc”.
Cách thứ hai, Hội đồng Nhân quyền LHQ có thể xem xét và ủy nhiệm cho một báo cáo viên đặc biệt, điều tra nạn mổ cướp nội tạng của các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
“Việc Trung Quốc gần đây được bổ nhiệm vào Ban cố vấn của Hội đồng Nhân quyền, nơi giám sát việc lựa chọn những người nắm giữ nhiệm vụ về nhân quyền của LHQ, đã cản trở điều này, nhưng nó vẫn đáng để theo đuổi”, ông Rogers nhận xét.
Thứ ba, các cơ quan quốc tế cần thúc giục Trung Quốc cho phép một đoàn thanh tra quốc tế độc lập, có thể thực hiện các chuyến thăm không báo trước, không hạn chế [đến Trung Quốc] để điều tra. “Nếu [Bắc Kinh] không có gì để che giấu, thì tại sao lại nói không? Thực tế là chúng ta biết họ sẽ từ chối điều này, nhưng một lần nữa nó sẽ giúp làm nổi bật hơn nữa vấn đề”, ông Rogers nhấn mạnh.
Các cách thức để lựa chọn khác, được đề xuất trong phán quyết của tòa án, bao gồm việc khẳng định các quyền tài phán hình sự phổ quát tại các tòa án trong nước [Trung Quốc] hoặc cho phép các nguyên đơn cá nhân nộp đơn kiện dân sự.
Theo đề xuất của của cựu Bộ trưởng tư pháp Canada Irwin Cotler, các biện pháp trừng phạt mà đạo luật Magnitsky nhắm vào, hiện được đưa vào dự luật ở một số quốc gia, có thể được áp dụng đối với các quan chức trong chính quyền Trung Quốc, những kẻ phải chịu trách nhiệm về nạn mổ cướp nội tạng cũng như che giấu Covid-19.
“Giống như Giáo chủ Hồng y Charles Bo của Myanmar đã dũng cảm yêu cầu chế độ ĐCSTQ xin lỗi và đền bù thế giới cho Covid-19, vậy chúng ta cần kêu gọi một hành động chống lại tội ác dã man của nạn mổ cướp nội tạng”, ông Rogers đề xuất.
Ông Rogers kêu gọi “các tổ chức y tế, có liên kết với những tổ chức/cá nhân ở Trung Quốc tham gia ghép tạng, cần nghiên cứu phán quyết của tòa án, và xem xét cắt đứt quan hệ với đối tác đó. Các chuyên gia y tế – cả bác sĩ và những học giả – cần ngừng trao đổi với những người ở Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực cấy ghép tạng. Tổ chức Y tế Thế giới – hiện đang bị chỉ trích ngày càng gia tăng vì mối quan hệ của họ với ĐCSTQ – và Hiệp hội Cấy ghép, cần đánh giá toàn bộ quan điểm của mình, và phải chịu trách nhiệm”.
Ông Rogers cho rằng công chúng tại các nước cũng có vai trò gây áp lực lên chính phủ của mình, xem xét những cáo buộc này một cách nghiêm túc và hành động. Ngoài ra, đối với một công dân bình thường, cần thực hiện việc tẩy chay đối với hàng hóa, từ một chế độ, mà Tòa án mô tả là “một nhà nước hình sự”.
Trong khi một số chính phủ đang nghiên cứu phán quyết của tòa án, và ngày càng có nhiều nghị sĩ trên khắp thế giới lên tiếng, thì các chính phủ cho đến nay đã thể hiện sự miễn cưỡng hành động, rất khó coi.
Cuối cùng nhà hoạt động nhân quyền Rogers kết luận: “Với tất cả những đau khổ mà [Bắc Kinh] đang gây ra, Covid-19 có lẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh. Ít nhất, phần chính yếu của bằng chứng do Toà án Xét xử Trung Quốc thu thập, không được bỏ mặc. Như một số người đã ủng hộ, nếu chính quyền của ĐCSTQ bị trừng trị sau đại dịch, thì việc buộc tội nạn mổ cướp nội tạng phải được xem xét đến trong việc trừng phạt đó”.
Theo Uca News,
Duy Nghĩa dịch và biên soạn.
Nguồn dkn.tv