Trung tâm điều hành đặt tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã được bố trí để chuẩn bị thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa cho người dân. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu mô hình thí điểm này hiệu quả, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp triển khai mở rộng quy mô tại các địa phương khác trong cả nước.
GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, sau khi được Bộ Y tế lựa chọn, Trường đã chỉ đạo bệnh viện Đại học Y Hà Nội trước mắt xem xét và phối hợp với một số bệnh viện vệ tinh có điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mô hình bệnh tật phù hợp.
Mục đích của mô hình khám, chữa bệnh từ xa là giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, đồng thời, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Hiện, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bố trí Trung tâm điều hành với 4 đầu cầu đại diện cho các vùng: Đầu cầu huyện Mường Khương (Lào cai), Hà Tĩnh, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) và Hà Nội.
Trong đó, Mường Khương là 1 trong số 6 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai. Bệnh viện huyện Mường Khương nằm trên núi cao, đi lại khó khăn, mô hình bệnh tật chủ yếu về tim mạch như cao huyết áp, tim bẩm sinh, nên khi triển khai mô hình khám bệnh từ xa, việc kết nối hội chẩn về điện tâm đồ và siêu âm tim… sẽ hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện rất nhiều, từ đó giúp giảm số lượng tử vong trong các bệnh lý về tim mạch.
Để triển khai mô hình này, bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã đưa ra giải pháp, tư vấn qua tổng đài, hướng dẫn người bệnh theo dõi các triệu chứng cho một bệnh mạn tính, cụ thể khi thấy các dấu hiệu nào thì cần đến cơ sở y tế, trạm y tế phường, y tế thành phố. Nếu có ý định đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được đặt lịch trước và hẹn giờ để thực hiện giãn cách người bênh.
Hiền Minh
Nguồn: Baochinhphu.vn