Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sau khi sụt giảm 3 tháng liên tiếp, đến tháng 12/2020 lại tăng mạnh 55,5% về lượng và tăng 54,4% về kim ngạch nhưng giá giảm 0,7% so với tháng 11/2020, đạt 546.622 tấn, tương đương 291,8 triệu USD, giá 533,8 USD/tấn; So với tháng 12/2019 thì tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 9,5%, 28% và 17%.
Xuất khẩu gạo giảm khối lượng tăng kim ngạch
Năm 2020, cả nước xuất khẩu gần 6,25 triệu tấn gạo, tương đương 3,12 tỷ USD, giá 499 USD/tấn giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 11,2% về kim ngạch và tăng 13,3% về giá so với năm 2019.
Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của gạo Việt Nam đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 476 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 19,3% về kim ngạch và tăng 14,7% về giá so với năm 2019, chiếm 35,5% trong tổng lượng và chiếm 33,9%/tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
* Gạo Việt Nam nhận hai giải thưởng của The Rice Trader
* Xuất khẩu gạo 2020 đi ngược thông lệ
Giá lúa cao nhất trong lịch sử hơn 30 năm xuất khẩu gạo
* Xuất khẩu gạo có triển vọng vượt cả giá và lượng so với năm 2019
Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc với lượng gạo xuất khẩu đạt 810.838 tấn, tương đương 463,03 triệu USD, tăng 70% về lượng, tăng 92,7% về kim ngạch và tăng 13,3% về giá so với năm 2020, giá xuất khẩu bình quân là 571 USD/tấn, chiếm trên 13% trong tổng lượng và chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch.
Ghana đứng vị trí thứ 3, đạt 522.548 tấn, tương đương 282,29 triệu USD, giá trung bình 540,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm 2019, với mức tăng tương ứng 22,3%, 32,8% và 8,5%, chiếm 8,4% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Trong năm 2020, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính đều tăng cả lượng và kim ngạch so với năm 2019, bên cạnh đó, còn có một số thị trường cũng tăng mạnh như: Indonesia tăng 130,6% về lượng và tăng 171,5% về kim ngạch, đạt 92.587 tấn, tương đương 49,95 triệu USD; Australia tăng 65,6% về lượng và tăng 67,6% về kim ngạch, đạt 29.523 tấn, tương đương 18,63 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng cao dù lượng gạo xuất khẩu giảm do Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc.
“Trái ngọt” từ Chương trình giống Quốc gia
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, cơ cấu giống lúa của Việt Nam bắt đầu thay đổi cách đây 20 năm từ Chương trình giống Quốc gia. Từ cơ cấu giống lúa chất lượng thấp như IR 50404 sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long trên diện rộng có địa phương sản xuất gần 30% diện tích, có địa phương lên tới 40% diện tích xuống giống trong khi Bộ NN-PTNT khuyến cáo chỉ nên sản xuất giống này khoảng 10% diện tích, vì giống này cho gạo phẩm cấp thấp. Vì vậy, torng giai đoạn này Việt Nam xuất khẩu gạo với khối lượng lớn nhưng đa phần là gạo cấp thấp và thị trường cũng tồn rất nhiều gạo loại gạo này. Câu chuyện trên diễn ra trong suốt nhiều năm.
Về phía Bộ Công Thương cũng có các khởi động bắt đầu từ Nghị định 109, sau đó là Nghị định 107 để có những thay đổi phù hợp với xu hướng chung các doanh nghiệp lúa gạo. Có thể chưa hoàn thiện 100% nhưng nhìn chung sự ra đời của các nghị định này đã bước tiến mới của ngành lúa gạo. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội ngành hàng cùng các doanh nghiệp và bà con nông dân đã tham gia tích cực có được thành quả ngày hôm nay.
Từ nền các chương trình trên, Cục Trồng trọt đang tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh cơ cấu giống và chuẩn bị bộ giống cho các bước tiếp theo trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Ví dụ, Việt Nam đang có giống lúa hạt tròn Japonica, giống lúa thơm hay các giống lúa đặc sản, các giống lúa đặc thù hữu cơ. Từ đó đi sâu về chất lượng và giá trị của hạt gạo bằng cách dùng các biện pháp canh tác đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp.
“Từ lâu Việt Nam xác định không thể cạnh tranh với Thái Lan về các giống lúa đặc sản, nên đi vào các giống lúa chất lượng cao và được bắt đầu từ các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ, sau đó có sự vào cuộc của doanh nghiệp và từng cá nhân để tạo ra các giống lúa có ưu thế mang đặc thù riêng thì một loạt các nhà lai tạo giống tư nhân, như kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo giống lúa ST, giống Nàng Hoa 9 của kỹ sư Lân và các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Vinaseed …
Rõ ràng bắt nguồn từ chiến lược về giống, ngành nông nghiệp Việt Nam đi đúng hướng vào những giai đoạn phù hợp. Chúng ta đi từ giống lúa chất lượng thấp lên giống lúa chất lượng cao, bây giờ có giống lúa chất lượng cao thì đi lên giống thơm nhẹ và giống đặc sản. Thành công đạt được là gạo ST 25 có thể cạnh tranh được với các giống lúa cao cấp của các quốc gia khác, thứ hai nhóm Lúa thơm của Việt Nam đi vào châu Âu. Nhóm Lúa thơm Jasmine của Việt Nam ngày càng được củng cố. Đó là chiến lược về giống”, ông Tùng khẳng định .
Thứ hai là, chiến lược an toàn thực phẩm cũng mang tính chất đồng loạt. Ngay từ năm 2008, Bộ NN-PTNT đã khởi động chương trình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thứ ba là khởi động chương trình trồng lúa hữu cơ và lúa đặc thù sau đó là chương trình trồng lúa bền vững từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Rõ ràng đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo với “Chương trình giống Quốc gia” được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP sẽ góp phần tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá.