(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan nhà nước thay thế Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP là cần thiết để cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt, hiệu quả; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Ngân sách nhà nước; pháp luật về phí, lệ phí; định mức phân bổ kinh phí quản lý hành chính giai đoạn 2021-2025….
Đố với quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí hành chính, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính bao gồm cơ quan nhà nước thuộc các tổ chức chính trị – xã hội để đảm bảo thống nhất vì Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định đối tượng này tự quyết định việc áp dụng các quy định tại Nghị định này nên trong thực tế có cơ quan thực hiện, có cơ quan không thực hiện. Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu: “nghiêm túc thực hiện việc khoán kinh phí để phát huy tính tích cực, chủ động và tự chủ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
ADVERTISEMENT
Do vậy dự kiến Nghị định sẽ bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm các cơ quan nhà nước thuộc các tổ chức chính trị – xã hội (không bao gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam do nguồn kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được đảm bảo từ nguồn kinh phí công đoàn).
Quy định về kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện tự chủ
Theo Bộ Tài chính, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã đề ra nội dung cải cách:
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
Như vậy, để đảm bảo thống nhất về nguyên tắc giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ đối với cơ quan nhà nước tại địa phương, dự thảo Nghị định cần rà soát quy định về giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ đối với các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của trung ương và địa phương.
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp thực hiện chính sách này là: Căn cứ tình hình thực tiễn xác định kinh phí giao tự chủ trong giai đoạn 2014-2018, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, dự thảo Nghị định quy định kế thừa phạm vi xác định kinh phí giao tự chủ tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, bổ sung phạm vi khoán bao gồm quỹ tiền thưởng theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đồng thời rà soát bỏ quy định về giao tự chủ đối với hoạt động chi nghiệp vụ đặc thù để phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất về nguyên tắc giao kinh phí tự chủ giữa các cơ quan; bỏ quy định về giao tự chủ từ nguồn thu phí được để lại theo quy định. Theo đó, phạm vi kinh phí quản lý hành chính giao tự chủ bao gồm: (i) Quỹ lương (bao gồm các khoản đóng góp theo chế độ quy định), định mức chi thường xuyên hàng năm và quỹ tiền thưởng theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với đề nghị xây dựng Nghị định này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.