Giãn cách toàn xã hội trong 3 tuần khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 sụt giảm 26% so với cùng kỳ, nhưng lại là đòn bẩy cho một lĩnh vực khác. Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, số đơn hàng của SpeedL (trực thuộc Lotte) tăng 2 – 3 lần, số đơn trực tuyến và đặt hàng qua điện thoại của Saigon Co.op tăng 4 – 5 lần…
Giữa những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 lên thị trường bán lẻ Việt Nam trong Quý 1 2020, thị trường ghi nhận những điểm sáng đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi, báo cáo về thị trường bán lẻ của CBRE Việt Nam cho biết.
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% trong Quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 294 tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Lưu lượng khách đến mua sắm ở các Trung tâm thương mại (TTTM) tại TPHCM và Hà Nội, theo ghi nhận của CBRE, giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra.
“Mặc dù doanh số bán lẻ giảm, thương mại điện tử (TMĐT) là một điểm sáng, thúc đẩy các giao dịch của các cửa hàng trong thời gian dịch bùng phát”, bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám Đốc – Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam nhận định.
Theo khảo sát về hành vi của người tiêu dùng do Nielsen thực hiện, những người tham gia khảo sát thừa nhận sự quan tâm của họ đối với những kênh mua bán trực tuyến tăng 25%, trong khi 50% cắt giảm việc đi mua sắm tại các siêu thị và 25% cho biết đã cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động ngoài trời.
CBRE dẫn nghiên cứu của Nielsen cho biết: Doanh số bán lẻ giảm đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực TMĐT và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng. Trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực TMĐT, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút.
SpeedL (kênh thương mại điện tử của Lotte) có số đơn hàng tăng 100 – 200%. Còn Saigon Co.op có số giao dịch trực tuyến và đơn hàng qua điện thoại tăng 4 – 5 lần.
Bên cạnh đó, Grab đã kích hoạt một nền tảng mới ‘GrabMart’ để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng.
Tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương, bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch, từ các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm như xe hơi, hoặc các dịch vụ như tham quan viện bảo tàng, tham quan bất động sản…đều có thể sử dụng được nền tảng bán lẻ trực tuyến.
Về dài hạn, sự tăng trưởng doanh thu thương mại điện thử sẽ là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai ở thị trường bán lẻ, CBRE nhận định.
CBRE Việt Nam cũng đưa ra 2 kịch bản cho ngành bán lẻ.
Theo kịch bản 1, nếu dịch bệnh có thể được kiểm soát trong Quý 2/2020, nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm trong khi tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng nhẹ 1-2 điểm phần trăm.
Kịch bản 2 – trường hợp dịch bệnh kéo dài tới Tháng 9/2020, tỷ lệ trống sẽ tăng ở cả hai thị trường, trong đó tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5-7 điểm phần trăm, đồng thời, nguồn cung tương lai tại TPHCM sẽ giảm 76% và có thể sẽ không có thêm dự án mới tại Hà Nội.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: cafebiz.vn