Các nền văn minh đã công nhận tính chất kháng khuẩn của đồng trong nhiều thế kỷ. Đây là thời gian chúng ta trở về thời đồ đồng.
Ở Trung Quốc, đồng được gọi là “qi”, biểu tượng cho sức khỏe. Ở Ai Cập, nó được gọi là “ankh”, là biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu. Đối với người Phoenicia, nó đồng nghĩa với từ “Aphrodite” là nữ thần tình yêu và sắc đẹp.
Những nền văn minh cổ đại này đã biết đến đồng như một loại vật liệu mà các nền văn hóa trên toàn cầu đã công nhận là quan trọng đối với sức khỏe chúng ta trong hơn 5,000 năm qua. Khi được bắn ra, các vi khuẩn như E. coli, siêu vi khuẩn như MRSA hoặc thậm chí coronavirus sẽ tồn tại trên hầu hết các bề mặt cứng, chúng có thể sống tới 4 đến 5 ngày. Nhưng khi chúng đụng phải đồng và hợp kim đồng như đồng thau, thì chúng bắt đầu chết trong vòng vài phút và không ai có thể thấy chúng tồn tại trong vài giờ. Bill Keevil, giáo sư chăm sóc sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton cho biết: “Chúng tôi thấy virus bắn ra, chúng rơi vào bề mặt đồng và bị tiêu diệt”.
Không có gì ngạc nhiên khi ở Ấn Độ, tất thảy mọi người đều uống bằng cốc đồng trong nhiều thiên niên kỷ. Ngay cả tại Hoa Kỳ, một số hợp kim đồng sử dụng để đựng nước uống. Đồng là một vật liệu tự nhiên, thụ động, kháng khuẩn. Nó có thể tự khử trùng bề mặt mà không cần điện hay thuốc tẩy.
Đồng bùng nổ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp như một vật liệu chế tạo đồ dùng và sử dụng trong các tòa nhà. Đồng vẫn được sử dụng rộng rãi trong các mạng điện, trên thực tế, thị trường đồng đang phát triển vì vật liệu này là một chất dẫn điện hiệu quả. Nhưng nó đã bị đẩy ra khỏi thị trường vật liệu xây dựng bởi một làn sóng vật liệu mới từ thế kỷ 20. Nhựa, kính cường lực, nhôm và thép không gỉ là những vật liệu hiện đại, được sử dụng cho mọi thứ, từ kiến trúc cho đến các sản phẩm của Apple. Tay nắm cửa và tay vịn bằng đồng đã lỗi thời và các kiến trúc sư, nhà thiết kế thay thế chúng bằng các vật liệu có kiểu dáng đẹp hơn (và thường rẻ hơn).
Bây giờ Keevil tin rằng đã đến lúc phải trả lại đồng cho các không gian công cộng và đặc biệt là các bệnh viện. Trước một tương lai không thể tránh khỏi đại dịch toàn cầu, chúng ta nên sử dụng đồng trong chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng và thậm chí là trong chính ngôi nhà của mình. Và, dù cho chúng ta đã quá muộn trong việc ngăn chặn COVID-19, thì cũng chẳng quá sớm để chúng ta nghĩ đến đại dịch tiếp theo.
Lợi ích của đồng
Chúng ta lẽ ra đã nên thấy lợi ích của đồng, và trong thực tế, nó đã được chứng minh.
Năm 1983, nhà nghiên cứu y học Phyllis J. Kuhn đã viết bài phê bình đầu tiên về sự biến mất của đồng trong các bệnh viện. Trong một bài tập huấn luyện về vệ sinh tại trung tâm y tế Hamot ở Pittsburgh, các sinh viên đã lau các bề mặt khác nhau xung quanh bệnh viện, bao gồm cả bồn cầu và tay nắm cửa. Khi được nhân lên trong đĩa thạch (agar plate), cô nhận thấy nhà vệ sinh sạch vi khuẩn, trong khi một số đồ đạc khác vẫn bẩn và các vi khuẩn nguy hiểm vẫn sống được.
Cô viết: “Tay nắm cửa bằng thép không gỉ của cánh cửa ở bệnh viện sáng bóng và trông có vẻ sạch sẽ. Ngược lại, tay nắm cửa và tấm đẩy bằng đồng bị xỉn màu, trông rất bẩn. Tuy nhiên, ngay cả khi bị xỉn màu, đồng thau (một hợp kim thường là 67% đồng và 33% kẽm) có thể giết chết vi khuẩn. Trong khi đó, thép không gỉ (hợp chất khoảng 88% sắt và 12% crôm) không thể ngăn sự phát triển của vi khuẩn.”
Cuối cùng, cô kết thúc bài viết với một kết luận đủ đơn giản để toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe tuân theo. “Nếu bệnh viện của bạn đang được cải tạo, hãy cố gắng giữ lại những đồ vật bằng đồng; nếu bạn có những vật dụng bằng thép không gỉ, hãy chắc chắn rằng bạn khử trùng chúng hằng ngày, đặc biệt là trong các khu vực chăm sóc quan trọng.”
Nhiều thập kỷ sau, với sự thừa nhận và tài trợ của Hiệp hội Phát triển Đồng (một nhóm thương mại ngành công nghiệp đồng), Keevil đã tiến hành thêm nghiên cứu của Kuhn. Khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với một số mầm bệnh đáng sợ nhất trên thế giới, ông đã chứng minh rằng đồng không chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn một cách hiệu quả; nó cũng giết chết virus. (Năm 2015, ông thậm chí đã chứng minh hiện tượng này với tiền thân của COVID-19, coronavirus 229E).
Trong nghiên cứu của Keevil, ông nhúng một đĩa đồng vào cồn để khử trùng. Sau đó, ông nhúng nó vào acetone để loại bỏ các loại dầu không liên quan. Tiếp đến, ông thả một chút mầm bệnh lên bề mặt đĩa. Trong phút chốc nó khô lại. Sau đó ông để vật mẫu ở bất cứ nơi đâu, trong 1 vài phút hay 1 vài ngày. Sau đó, ông lắc nó trong một hộp đầy hạt thủy tinh và chất lỏng. Các hạt đó sẽ đẩy vi khuẩn và virus vào chất lỏng, và chất lỏng có thể được lấy mẫu để phát hiện sự tồn tại của chúng. Trong các trường hợp khác, ông đã phát triển các phương pháp bằng kính hiển vi, quan sát trực tiếp và ghi lại một mầm bệnh bị đồng tiêu hủy ngay khi nó chạm vào bề mặt.
Ông nói, hiệu ứng như thể một phép thuật, nhưng tại thời điểm này, các nhà khoa học đã biết rõ hiện tượng này. Khi virus hoặc vi khuẩn tấn công vào đĩa, nó đã “ngập ngụa” trong các ion đồng. Những ion này xâm nhập vào các tế bào và các virus như đạn. Đồng không chỉ giết chết những mầm bệnh này; nó phá hủy chúng ngay khi vừa gặp axit nucleic.
Keevil nói: “Vi khuẩn không có cơ hội đột biến hoặc tiến hóa bởi vì tất cả các gen của nó bị phá hủy. Đó là một trong những lợi ích thực sự của đồng. Nói cách khác, đồng không mang đến nhiều rủi ro như khi dùng thuốc kháng sinh liều mạnh. Đó là một ý tưởng tốt.”
Thử nghiệm trong thế giới thực, đồng chứng minh giá trị của nó
Bên ngoài phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu khác đã theo dõi xem liệu đồng có tạo ra sự khác biệt khi chúng được sử dụng ngoài đời thực hay không, bao gồm các núm cửa bệnh viện, giường bệnh, tay vịn ghế của khách và thậm chí là cây truyền nước.
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu với sự cho phép của Bộ Quốc phòng đã so sánh tỷ lệ nhiễm trùng tại 3 bệnh viện và nhận thấy rằng khi hợp kim đồng được sử dụng, tỷ lệ nhiễm trùng giảm tới 58%. Một nghiên cứu tương tự đã được thực hiện vào năm 2016 trong một đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em, và người ta thấy rằng kết quả tỷ lệ nhiễm trùng cũng giảm đáng kinh ngạc như trên.
Nhưng còn chi phí thì sao? Đồng luôn đắt hơn nhựa hoặc nhôm, và cũng đắt hơn thép. Nhưng các bệnh nhiễm trùng từ bệnh viện gây thiệt hại cho hệ thống chăm sóc sức khỏe lên tới 45 tỷ USD mỗi năm, không kể đến việc giết chết tới 90.000 người, chi phí nâng cấp đồng là không đáng kể.
Keevil tuy không còn nhận được tài trợ từ ngành công nghiệp đồng, tin rằng trách nhiệm giờ thuộc về các kiến trúc sư, họ có thể chọn đồng trong các dự án xây dựng mới. Đồng là bề mặt kim loại kháng khuẩn đầu tiên (và cho đến nay là bề mặt kim loại cuối cùng) được EPA phê chuẩn. Cho đến nay, các nhóm ngành công nghiệp đồng đã đăng ký hơn 400 hợp kim đồng với EPA. Ông nói: ” Chúng tôi đã thấy đồng-niken cũng tốt như đồng thau trong việc tiêu diệt vi khuẩn và virus. Và đồng-niken không giống một cây kèn cũ, nó hoàn toàn có thể phân biệt được với thép không gỉ.”
Đối với các tòa nhà trên thế giới vẫn chưa được cải tạo, và vẫn còn các đồ đồng cũ ở đó, Keevil khuyên: “Đừng bỏ chúng, bạn làm gì cũng được, nhưng hãy nhớ đừng vứt đồ đồng. Đây là những thứ tốt nhất bạn có.”
Mai Lâm
Theo FC
Nguồn: cafebiz.vn