Trong một bài bình luận đăng trên tờ The National Interest, ông Mohammed Ayoob, giáo sư tại Đại học Michigan, đã phân tích về việc virus corona làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Là thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Toàn cầu (CGP), giáo sư Ayoob cho rằng “mặc dù việc ngăn chặn được virus corona còn chưa thấy, nhưng rõ ràng, cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có này, đã trở nên rắc rối trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.
videoinfo__||410003a16__
Theo giáo sư Ayoob, một cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra, trong đó Washington buộc tội Bắc Kinh đã “gây ra sự lan truyền của virus chết người trên toàn thế giới”.
Giáo sư Ayoob lưu ý, Tổng thống Donald Trump là người đã “khai hỏa loạt đạn” đầu tiên, bằng cách liên tục gọi virus corona là virus Trung Quốc. Mặc dù sau đó ông Trump hứa sẽ từ bỏ tên gọi đó, nhưng ngoại trưởng Mike Pompeo lại “bước vào” cuộc chiến, bằng cách khẳng định tại cuộc họp trực tuyến gần đây của G-7 rằng, virus này nên được gọi là virus Vũ Hán. Ông Pompeo nhấn mạnh rằng, thuật ngữ này phải được sử dụng trong tuyên bố chung, thường được công bố sau một hội nghị như vậy.
Tuy nhiên, các nước G7 khác đã từ chối thuật ngữ này, vì cho nó gây chia rẽ không cần thiết tại thời điểm mà hợp tác quốc tế là cần thiết để chống lại virus corona. Mặc dù vậy, ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng điều quan trọng là nó chỉ ra virus này đến từ thành phố Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong nhiệm vụ cảnh báo thế giới về những nguy cơ của nó.
Giáo sư Ayoob cho hay Trung Quốc đã tấn công lại Mỹ thông qua bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, rõ ràng là được chính phủ Trung Quốc khuyến khích. Ví như, Bắc Kinh gián tiếp buộc tội Mỹ rằng, quân đội Hoa Kỳ đã chế tạo và lan truyền virus.
“Các thuyết âm mưu có nguồn gốc từ Trung Quốc đã ngụ ý rằng các cơ quan chính phủ Mỹ đang thử nghiệm virus như một vũ khí sinh học để sử dụng trong thời chiến”, giáo sư Ayoon chỉ rõ.
WHO có trách nhiệm liên đới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan giám sát quốc tế về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, cũng đã bị liên đới trong cuộc tranh cãi này. Tổng thống Trump cáo buộc WHO, đặc biệt là Tổng giám đốc, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, ban đầu đã đánh giá thấp sự bùng phát của virus corona, và sau đó đứng về phía Trung Quốc bằng cách ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh.
Theo giáo sư Ayoob, Tổng thống Trump không “đơn độc trong việc chỉ trích” WHO. Cáo buộc của ông Trump “dựa trên thực tế là việc ông Tedros ban đầu đã xem nhẹ mối đe dọa toàn cầu do virus gây ra, do đó bảo vệ Trung Quốc khỏi cáo buộc rằng [Bắc Kinh] đã không công khai thừa nhận mối đe dọa sắp xảy ra của căn bệnh, và khả năng nó lan rộng toàn cầu”. Điều này được chứng minh ở một mức độ nào đó bởi thực tế mà ông Tedros đã phát biểu trong một tuyên bố được đưa ra hôm 23/1, khi virus đang hoành hành ở Vũ Hán, và lan sang các vùng khác của Trung Quốc.
Ông Tedros tuyên bố: “Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp mà họ tin là phù hợp, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở Vũ Hán và các thành phố khác. Chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ có hiệu quả và chính xác. Hiện tại, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào lớn hơn đối với việc đi lại hoặc giao dịch”.
Giáo sư Ayoob cho rằng tuyên bố trên rõ ràng ngụ ý “việc đi du lịch đến Trung Quốc là an toàn, và cho phép công dân Trung Quốc đi ra nước ngoài vào thời điểm khi mà sự lây nhiễm và tử vong đang tăng lên”, trong khi nhiệm vụ của WHO khi đó là phải cảnh báo cộng đồng thế giới về những nguy cơ của việc đến và rời khỏi Trung Quốc.
Giáo sư Ayoob cho hay một số nhà phê bình đã phân tích việc WHO không khiển trách Trung Quốc che giấu dịch bệnh, đặc biệt việc WHO đã không hành động để báo cáo kịp thời, và rằng “tổ chức này đã cố gắng bảo vệ Bắc Kinh khỏi bị lên án bởi vì [Trung Quốc] là một nước đóng góp chính cho ngân sách của WHO”.
Cuộc tranh luận về tội của Bắc Kinh,đã tăng thêm sức nóng với tiết lộ về 8 bác sĩ Trung Quốc, những người đóng vai trò như “những người thổi còi’’ đã bị chính phủ Trung Quốc qui cho là “những kẻ tung tin đồn’’.
“Thật không may, Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ, đã không chống nổi căn bệnh này, ngay sau nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm mất uy tín của anh và các đồng nghiệp của anh, vì những cố gắng của họ trong việc gây chú ý cho thế giới”, giáo sư Ayoob cho biết.
Những thách thức đối với Mỹ
Theo giáo sư Ayoob, chiến thuật của Mỹ, bao gồm việc công bố Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh, không chỉ dựa trên những cân nhắc đúng đắn, mà còn được thúc đẩy bởi các lý do chiến lược và chính trị.
“Washington đặc biệt lo lắng rằng việc họ không có khả năng kiểm soát virus, và tìm ra ‘thuốc giải độc’ cho nó, không chỉ dẫn đến ‘bị mất mặt’, mà về lâu dài còn làm xói mòn vị thế của Mỹ như là cường quốc thế giới, với khả năng thiết lập các chương trình nghị sự kinh tế và an ninh quốc tế”, giáo sư Ayoob nhận định.
Giáo sư Ayoob cho hay một số nhà bình luận Mỹ đã nói rõ rằng việc Mỹ không hành động nhanh chóng, và dẫn đầu thế giới trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng, về lâu dài “có thể dẫn đến sự đảo ngược trong trật tự toàn cầu, với việc Mỹ mất vị thế ưu việt vào tay Trung Quốc”.
Giáo sư Ayoob cho rằng việc Mỹ hoàn toàn qui trách nhiệm cho Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, rằng Bắc Kinh là mặt trái và đồng lõa trong việc lan truyền đại dịch toàn cầu, có thể làm suy yếu rất nhiều vị thế toàn cầu của Trung Quốc và bảo vệ vị thế của Mỹ trong trật tự phân hạng thế giới.
Trong thập niên qua, Mỹ đã e ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như sức mạnh mềm của Bắc Kinh thông qua ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’, với các khoản vay dành cho các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, theo các điều khoản ưu đãi. Điều này đã bổ sung đáng kể vào việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, và uy tín của nó trong các thành viên cộng đồng quốc tế, tại thời điểm chính sách ‘Nước Mỹ là trên hết’ của ông Trump lại báo hiệu mong muốn của Washington từ bỏ các cam kết toàn cầu.
Giáo sư Ayoob cho rằng việc chính quyền Trump không sẵn sàng dẫn đầu thế giới để chống lại mối đe dọa của virus corona, là một ví dụ quan trọng về chính sách giảm bớt vai trò như vậy của Mỹ, cũng như quyết định của Mỹ định rút khỏi Afghanistan và các điểm nóng khác ở Trung Đông.
Tình trạng đối kháng, giữa sự bành trước của Trung Quốc và sự giảm bớt vai trò của Mỹ trong vài năm qua, đã thúc đẩy Bắc Kinh liên tục thách thức Mỹ về thương mại và các vấn đề kinh tế khác. Nó cũng đã khuyến khích Trung Quốc tiến hành một cách công khai các hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn bị Mỹ coi là không phù hợp với những lợi ích chiến lược của mình.
Giáo sư Ayoob nhận định “tội lỗi của Trung Quốc trong sự lan truyền toàn cầu của virus corona, hiện là một thực tế đã được minh chứng, cung cấp cho Mỹ cơ hội buộc tội Trung Quốc, với hy vọng nó sẽ làm xói mòn đáng kể uy tín và sức mạnh mềm mà Trung Quốc đã tích lũy trong cộng đồng quốc tế trong thập kỷ qua”.
Cuối cùng giáo sư Ayoob kết luận: “Washington dường như lạc quan rằng nếu điều này xảy ra, thì họ sẽ khiến Trung Quốc dễ tuân theo áp lực của Mỹ đối với toàn bộ các vấn đề kinh tế và chiến lược, và củng cố vị thế của Mỹ như một siêu cường duy nhất, một vị trí ngày càng bị Trung Quốc thách thức”.
Theo The National Interest
Duy Nghĩa dịch và biên tập
Nguồn dkn.tv