– Theo Phó viện trưởng CIEM, nhiều nguyên tắc quản trị DN tốt được đưa vào trong Luật Doanh nghiệp 2020 như: Tránh sự lạm dụng của cổ đông lớn, chèn ép cổ đông nhỏ, chống xung đột lợi ích thông qua giao dịch nội gián,…
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (Ảnh: Hạ An)
ADVERTISEMENT
Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 10 đạo luật đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, trong đó có Luật Doanh nghiệp, gồm 10 chương, 218 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Trao đổi với về những điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị thực hiện soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2020 cho biết, “sứ mệnh” của Luật Doanh nghiệp 2020 rất khác so với các Luật Doanh nghiệp “phiên bản” trước, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2000, 2005.
“Trong khi những phiên bản Luật Doanh nghiệp trước đây quá trình cải cách tập trung vào điều chỉnh nội dung gia nhập thị trường tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp để Việt Nam có số lượng lớn doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp 2020 tập trung vào cải cách quá trình gia nhập thị trường và quản trị của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Theo Phó viện trưởng CIEM, Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, doanh nghiệp được làm những điều pháp luật không cấm, tuy nhiên, dư địa được cải cách đã giảm đi. “Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn có những cải cách đáng ghi nhận”, ông Hiếu đánh giá.
Đầu tiên là về con dấu, đây vẫn là nguồn cơn của một số tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp, việc cải cách triệt để về con dấu, trao toàn bộ quyền về con dấu cho doanh nghiệp trong việc làm dấu và tự quản lý dấu, ông Hiếu cho biết.
Thứ hai là, xu hướng về số hoá các thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường internet cũng được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2020 để đảm bảo doanh nghiệp được gia nhập thị trường một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Tuy nhiên, khía cạnh còn vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp khi gia nhập thị trường lại nằm ở các quy định về kinh doanh có điều kiện.
“Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ nội địa mà so với các quốc gia khác trong khu vực”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu dẫn chứng, khi các thủ tục kinh doanh của Việt Nam phức tạp hơn giá thành sản phẩm cũng cao hơn dù có thể chi phí nguyên liệu, nhân công chỉ ngang bằng các quốc gia khác. Như cùng một sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan có chi phí sản xuất ngang nhau nhưng thời gian nhập khẩu nguyên liệu, thời gian thông quan của Việt Nam dài hơn thì những chi phí đó sẽ cộng vào giá thành và làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Mảng thứ 2 mà Luật Doanh nghiệp 2020 điều chỉnh là yếu tố quản trị doanh nghiệp. Đây là yếu tố âm thầm nhưng rất căn cơ để doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài và mở rộng quy mô.
Quản trị tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị về tài chính mà còn giúp doanh nghiệp hướng tới giá trị cao hơn là giá trị của người lao động, của khách hàng và của sự phát triển bền vững.
Vì vậy, kỳ vọng và trọng tâm sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2020 là việc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt và theo chuẩn mực quốc tế. Trong Luật Doanh nghiệp 2020, Việt Nam chủ động sửa đổi để nâng cấp khuôn khổ quản trị chứ không đợi Luật có bất cập rồi mới sửa đổi.
Cũng theo ông Hiếu, rất nhiều nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt được đưa vào trong Luật, về kỹ thuật nguyên tắc căn cơ của quản trị là tránh sự lạm dụng của cổ đông lớn, chèn ép cổ đông nhỏ, chống xung đột lợi ích thông qua giao dịch nội gián có liên quan, thúc đẩy những mô hình quản trị theo theo thông lệ quốc tế tốt.
Tại rất nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng cổ đông nghi ngờ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng với doanh nghiệp sân sau hay việc gia đình hoá doanh nghiệp, đây là những điểm Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ hạn chế bởi về lâu dài những tiêu cực trên sẽ làm giảm động lực phát triển của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, để quản trị tốt cần sự nhận thức và thực thi tích cực từ doanh nghiệp bởi giữa Luật và thực tiễn luôn có khoảng cách. Đây là thách thức lớn nhất khi thực thi Luật Doanh nghiệp 2020”, ông Hiếu nói.
HẠ AN
Nguồn: bizlive.vn