Một nhân viên phụ trách việc xóa những bài viết, bình luận trực tuyến mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng là bất lợi với nhà cầm quyền, đã chia sẻ với tờ Bitter Winter công việc hàng ngày của anh.
Anh Lưu (hóa danh) là một “nhân viên xóa bài viết”, làm việc cho một nền tảng Internet phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, anh làm việc tại nhà. Khi Bitter Winter bắt đầu phỏng vấn, anh vừa xóa xong bài đăng thứ 9.450 trong ngày. Cũng giống như tất cả các đồng nghiệp của mình, anh được giao hạn ngạch hàng ngày.
Chiếc máy tính trước mặt anh sàng lọc những nhận xét trực tuyến có chứa những từ khóa nhạy cảm, như “virus”, “cảnh sát”, “chính phủ”, và “đất nước”. Hệ thống đánh dấu những từ này bằng các màu khác nhau, để giúp anh Lưu tìm ra nội dung cần được kiểm duyệt một cách nhanh chóng.
Đối mặt với sự kiểm duyệt hà khắc của ĐCSTQ, cư dân mạng đã nhanh trí tìm cách đối phó bằng cách dùng các từ viết tắt và biểu tượng cảm xúc thay thế. Phần mềm kiểm duyệt đã không thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng hà khắc của chính phủ, vì vậy các quan chức yêu cầu làm thủ công.
Anh Lưu giải thích, các bài viết bị xóa hầu hết có những nhận xét chỉ trích và phản đối chính phủ. Anh nói thêm rằng trong đại dịch, anh bận rộn hơn bình thường. Những nhận xét bày tỏ hoài nghi về số ca nhiễm bệnh và tử vong mà chính phủ công bố, hoặc những người lên án các quan chức lãnh đạo, chỉ trích những nỗ lực không hiệu quả để chống lại đại dịch hoặc hệ thống y tế Trung Quốc, hay những điều tương tự, sẽ bị xóa ngay lập tức. Ngay cả những cụm từ cầu nguyện trong tôn giáo cùng khẩu hiệu: “Vũ Hán, hãy mạnh mẽ lên” cũng bị xóa.
“Chính phủ đã nói dối bằng cách tuyên bố rằng chỉ có vài trăm người chết”, anh Lưu nói và chỉ vào màn hình máy tính hiện một bình luận chất vấn số ca tử vong mà các quan chức công bố. Bình luận này đã biến mất trong giây lát. “Làm thế nào tôi có thể tin được? Lịch sử sẽ lên án những lãnh đạo này”, anh Lưu nói.
“Những bình luận ca ngợi xã hội Mỹ hay phương Tây nói chung, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt của họ, cũng bị xóa. Trên thực tế, những loại bình luận như này là mục tiêu chính để xóa”, anh Lưu nói thêm.
“Những nhận xét có thể gây hoang mang cũng bị xóa, bất kể chúng có đúng hay không”, anh Lưu cho biết. Ví dụ, một bình luận viết thời gian ủ bệnh Covid-19 có thể hơn 20 ngày cũng phải bị xóa vì bị coi là “tin đồn thất thiệt” bởi chính phủ chưa thừa nhận.
“Hành vi của chính phủ là vô nhân đạo”, anh Lưu cảm thấy phẫn nộ khi nhớ đến đêm mà Lý Văn Lượng – một bác sĩ người Vũ Hán vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sớm cho công chúng về sự nguy hiểm của Covid-19 nhưng sau đó lại bị chính phủ cảnh cáo vì “tung tin đồn thất thiệt”. Bác sĩ Lý sau đó đã chết vì chính căn bệnh này.
“Bác sĩ Lý được cho là đã qua đời lúc 9 giờ tối. Thông tin này đã dẫn đến làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng, vì vậy chính phủ ra lệnh tung tin bác sĩ Lý vẫn đang được điều trị. Tại sao họ lại làm vậy?”, anh Lưu bất bình nói.
Theo báo cáo của nhiều cơ quan truyền thông, bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, đã qua đời vào lúc 21h30 ngày 6/2, nhưng sau đó đã được sửa thành 2h28 sáng ngày 7/2. Rõ ràng là, sau khi tin tức này gây ra phản ứng gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc, chính phủ đã can thiệp và ra lệnh cho các phương tiện truyền thông đưa tin bác sĩ Lý vẫn còn sống và hiện đang được điều trị đặc biệt.
Anh Lưu biết rõ không phải tất cả các bài đăng anh đã xóa đều là “tin đồn” hay “những bình luận tiêu cực”. Anh Lưu chia sẻ, càng ngày anh càng khó sống với cảm giác này, vì vậy anh muốn nghỉ việc.
“Chính phủ không cho phép người dân lên tiếng, và chỉ muốn người dân ca ngợi ĐCSTQ nhưng lại không hề cung cấp thông tin trung thực”, anh Lưu cảm thấy thất vọng với sự lãnh đạo của các quan chức Trung Quốc.
Theo anh Lưu, có hơn 200 nhân viên sàng lọc các bài đăng trực tuyến trong công ty của anh làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng anh không biết có bao nhiêu người chịu trách nhiệm kiểm duyệt các bài báo, âm thanh hoặc hình ảnh. Anh Lưu cũng không biết có bao nhiêu bài viết của những người như bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị xóa.
Theo Bitter Winter
Hải Lam dịch và biên tập
Nguồn dkn.tv