ADVERTISEMENT
– Để phát triển bền vững cây cà phê, cần tái canh diện tích già cỗi và xây dựng chuỗi giá trị cà phê với sự góp sức của ba nhà.
Vườn cà phê của nông dân trong Dự án Nescafe Plan
Mấy ngày qua giá cà phê trên thị trường bật tăng, nhưng vẫn thấp so với đầu vụ. Để phát triển bền vững cây cà phê là cần tái canh diện tích già cỗi và xây dựng chuỗi giá trị cà phê với sự góp sức của ba nhà.
Sau khi về các mức thấp nhất (1.309 USD/tấn với Robusta; 120.85 cent/lb với Arabica), vào cuối tuần giá 2 sàn (London và New York) cà phê phái sinh đã bật tăng mạnh. Arabica đang có giá cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây, và Robusta có giá cao nhất trong tuần.
Giá cà phê thế giới tăng kéo giá cà phê trong nước tăng theo. Ngày 17/1, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tăng 300 – 500 đồng/kg so với đầu tuần, dự đoán lên mức 33 triệu đồng/tấn. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 31.900 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai … giá cà phê dao dịch ở mức 32.100 – 32.200 đồng/kg.
Hiện tại, lực mua chỉ tập trung một số nhà nhập khẩu vào kho nội ngoại quan, đang gây áp lực lên giá cà phê nội địa. Điều này thể hiện ở việc giá cà phê Robusta cuối tuần tăng mạnh trên thị trường thế giới, nhưng giá tại Việt Nam chỉ nhích thêm một chút. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn có hy vọng giá cà phê nội địa có thể lên mức 33 triệu đồng/tấn trong tuần sau.
Giá cà phê tăng cao nhất từ đầu năm nhưng chưa như kỳ vọng
Giá cà phê tăng trong 3 ngày gần đây nhưng vẫn còn thấp hơn thời điểm tháng 11/2020 có lúc lên đến 33,400 đồng/kg, cũng là lúc nông dân Tây Nguyên bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới.
“Do diễn biến thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng lên quá trình sinh trưởng của cây cà phê, dẫn đến năng suất vụ cà phê 2020 – 2021 giảm đến 30% và thu hoạch trễ hơn 1 tháng so với các năm. Hiện nay, đang vào thu hoạch chính vụ thì giá cà phê trên thị trường liên tiếp sụt giảm, bà con đã giữ lại cà phê không vội bán ra. Từ tháng 12/2020 giá cà phê đã đảo chiều tăng giá trở lại, cùng với thời điểm này vào cuối năm nhu cầu tiêu thụ cà phê phục vụ cho tết Nguyên đán tăng cao.
Trước đây, năng suất cà phê bình quân đạt 3 tấn nhân/ha nhưng năm nay chỉ còn 2 tấn nhân, cộng giá đang khá thấp, sau khi trừ chi phí người trồng cà phê không có lãi để có vốn tái đầu tư cho cây cà phê, mặc dù vườn cà phê đã già cỗi”, một nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk cho biết.
Cà phê là cây trồng quan trọng của người dân khu vực Tây Nguyên và đóng góp khoảng 30% GDP của khu vực này. Cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây giá cà phê xuất khẩu thường biến động theo chiều hướng sụt giảm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 12/2020 ước đạt 85 nghìn tấn, trị giá 170 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 11/2020, nhưng giảm 54,7% về lượng và giảm 48% về trị giá so với tháng 12/2019. Năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,51 triệu tấn, trị giá 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với năm 2019.
Tháng 12/2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.000 USD/tấn, tăng 3,9% so với tháng 11/2020 và tăng 14,9% so với tháng 12/2019. Năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.759 USD/tấn, tăng 1,8% so với năm 2019.
Từ cuối năm 2020 cho đến nay, những khó khăn về cước tàu biển đã ảnh hưởng lên khối lượng hàng hóa xuất khẩu trong đó có xuất khẩu cà phê, vụ mới tại Việt Nam hiện chỉ đưa ra thị trường khoảng 1/3 sản lượng.
Tái canh góp phần phát triển chuỗi cà phê bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng.
Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 5 đến 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Hiện nay, phần lớn 692,6 nghìn hecta cà phê trên cả nước đã già cỗi cần tái canh, theo đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Ðến cuối năm 2020, diện tích cà-phê trồng tái canh, ghép cải tạo tại khu vực Tây Nguyên đạt hơn 118 nghìn ha, trong đó, diện tích tái canh hơn 84 nghìn ha, diện tích ghép cải tạo hơn 34 nghìn ha.
Bên cạnh đó, dự án Nescafe Plan của công ty Nestlé Việt Nam thực hiện từ năm 2011 đã góp phần rất lớn vào chương trình tái canh, bằng việc tập huấn và đào tạo cho hơn 260,000 nông dân. Hợp tác với viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên phân phối đến người nông dân cây giống kháng bệnh, năng suất cao.
Tài trợ cho nông dân 30% chi phí cây giống giúp cho công tác tái canh vườn cà phê, trong vòng 10 năm Nestlé đã phân phối hơn 46 triệu cây giống cho nông dân khu vực Tây Nguyên. Bảo vệ môi trường thiên nhiên trong việc giảm 40% lượng nước tưới, giảm 20% sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, hướng dẫn mô hình trồng xen canh hợp lý nâng cao 30-100% thu nhập cho nông dân.
DUY KHANG
Nguồn: bizlive.vn