Theo đó, TPDN phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 về điều kiện phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền; khoản 1 và khoản 3 Điều 13 về hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hướng chi tiết và cụ thể hơn về phương án phát hành – trả lãi, số lượng nhà đầu tư, báo cáo tài chính – kinh doanh…
Về công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước của doanh nghiệp, Nghị định mới quy định tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán.
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
TPDN phát hành trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo điều kiện, điều khoản của phương án phát hành đã công bố thông tin cho nhà đầu tư; thực hiện việc lưu ký, báo cáo, công bố thông tin định kỳ và tuân thủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã nhiều đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh TPDN. Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính nhiều lần khuyến cáo với thông điệp: “Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không nên mua chỉ vì lãi suất cao”. |
TUẤN VIỆT
Nguồn: bizlive.vn