– Chúng ta không thể nào tiếp tục tình trạng xuất khẩu thô, phải chuyển đổi trạng thái, thích ứng với thị trường xuất khẩu, thích ứng với những thiên tai, dịch bệnh…
Sáng 12/5, đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Chế biến nông sản thích ứng hội nhập giai đoạn mới” với sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS. TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam; Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder thương hiệu Café trái cây Meet More, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia.
Không thể tiếp tục tình trạng xuất khẩu thô
Mở đầu tọa đàm, nhận định về tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mọi cấp, mọi ngành, mọi chủ thể, doanh nghiệp, mỗi người dân đều quan tâm đến dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó. Trong bối cảnh đó, chúng ta quan tâm làm thế nào tận dụng thị trường nội địa tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân. Thứ nữa là sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế về truyền thông, tập quán, lao động, chuyển đổi nhanh với biến đổi khí hậu.
Ông Toản cho rằng, so với cách đây 5 năm, cục diện nông nghiệp Việt Nam đã thay đổi, nhất là 4 năm gần đây mỗi năm tăng trưởng 3-4 tỷ USD. Điều này chứng tỏ nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào tiếp tục tình trạng xuất khẩu thô, phải chuyển đổi trạng thái, thích ứng với thị trường xuất khẩu, thích ứng với những thiên tai, dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Thị trường nội địa chính là thị trường tiềm năng, cần những chính sách, hạ tầng tập trung cho phát triển nông nghiệp, đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân với tư cách vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng. Nhà nước cần có những chính sách mới, không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn phải tận dụng thị trường nội địa.
Bên cạnh đó cần tạo nên chuỗi liên kết, hệ sinh thái, liên kết giữa người nông dân, đơn vị sản xuất, kênh phân phối để giảm bớt khâu trung gian. Từ đó, giúp người tiêu dùng trong nước có thể mua hàng Việt Nam với giá thành rẻ hơn. “Với những đất nước phát triển, họ cũng coi thị trường nội địa là thị trường quan trọng”, ông Toản nói.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiện nay vừa là cái rủi nhưng cũng lại là cái may đối với các doanh nghiệp. “Qua tình hình dịch bệnh, chúng tôi khẳng định nông nghiệp chính là nền tảng đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hùng nói.
ADVERTISEMENT
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder thương hiệu Café trái cây Meet More, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, đây không phải lần đầu chúng ta nhắc đến thị tường nội địa, từ câu chuyện được mùa mất giá hay được giá mất mùa.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder thương hiệu Café trái cây Meet More, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia
Ông Luận đưa ra một số nhận định rằng, đối với thị trường nội địa là tiềm năng nhưng tại sao người tiêu dùng chưa chấp nhận ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam mặc dù chúng ta cũng có những chương trình phát động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì nguyên nhân xuất phát từ chính người nông dân, doanh nghiệp của chúng ta chưa đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm, chúng ta chưa tạo ra được các sản phẩm bắt mắt, ổn định về chất lượng, nhất là khi người tiêu dùng của chúng ta lại có tư tưởng sính ngoại.
Quan tâm hơn đến các hàng rào kỹ thuật tận dụng cơ hội
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã tiến hành tái cơ cấu đồng bộ, chuyển dịch vào các ngành trọng tâm như chế biến và tổ chức lại thị trường. Theo đó, chúng ta đã tạo ra kết quả ban đầu khá phấn khởi, với việc ngành nông nghiệp xuất khẩu cán đích 41 tỷ USD năm 2019, đứng 2 ASEAN và thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần chính là sự bền vững bởi ngành nông nghiệp cửa Việt Nam đã hội nhập sâu, mọi sự thay đổi của thị trường sẽ đều tác động trực tiếp vào doanh nghiệp. Như với dịch Covid – 19, dù mới chỉ diễn ra tầm 4 tháng nhưng đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông sản nói riêng. Những thay đổi này sẽ thử sức chịu đựng của doanh nghiệp, trên phương diện về quản trị, chiến lược, tài chính,…
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã nằm trong khu vực thị trường đa tầng lớp, đã và đang ký 16 FTA, năm ngoái cũng đã ký hiệp định CPTPP với 11 nước, ký FTA Việt Nam – EU. Trên cơ sở đó nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng sẽ có những cú hích nhất định.
“Dù vậy, chúng ta không được phép chủ quan mà cần phải quan tâm hơn đến hàng rào kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật, chất lượng để có thể tận dụng cơ hội một cách có hiệu quả và bền vững”, ông Toản lưu ý.
Về cơ cấu thị trường, hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 25% , Hoa Kỳ đứng thứ hai với 24%, châu Âu khoảng 12%,… Ông Toản cho biết, đây đều là những trục kinh tế lớn, dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Đối với Việt Nam, kể cả khi chúng ta khống chế thành công dịch thì vẫn bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác chưa khắc phục được.
“Do vậy chúng ta nên khắc phục bằng cách trú trọng vào thị trường nội địa, với sự tham gia mạnh mẽ của cả Nhà Nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Toản nói.
Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, chế biến nông sản
Trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao giá trị của các sản phẩm xuất khẩu nông sản của Việt Nam vốn dĩ đang thấp hơn so với nhiều nước, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng giá thành và giá trị là hai phạm trù khác nhau. Để nâng giá thành sản phẩm cần nâng cao chất lượng nông sản. Cần rà soát những khâu đầu vào các sản phẩm nông sản, cũng như chi phí logistics của xuất khẩu nông sản, đặc biệt là chi phí về điện, vận tải, nhất là chi phí vận tải đường hàng không còn rất cao.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng cũng cần quan tâm đến tín dụng cho nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người nông dân và doanh nghiệp chế biến.
Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng về thương hiệu, nên chưa chú trọng về chất lượng sản phẩm, không đầu tư cho hệ thống máy móc chế biến, cũng như những tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Global GAP. Do đó, theo ông doanh nghiệp cần nắm được những tiêu chuẩn cũng như những thuận lợi và rào cản.
Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ 4.0, phân tích những thuận lợi, khó khăn, làm sao để đi trước đón đầu, nắm được những chính sách để tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp. Khi vượt qua được rào cản thì sẽ có cơ hội phát triển, liên kết với một số tập đoàn nước ngoài và đầu tư cho những công nghệ hiện đại.
Ông cũng kiến nghị nhà nước và các địa phương cải cách những chính sách để phát triển nông nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng.
Công nghiệp chế biến đầu tư rất khiêm tốn
GS. TS Bùi Chí Bửu nhận xét rằng, Việt Nam phát triển rất tốt về khâu sản xuất nên năng xuất phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, về công nghệ chế biến, chúng ta gặp bất cập về nguyên liệu, nhà máy, công nghệ chế biến chưa được hợp lý. Trong khi Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 7-10% thì hiện nay chúng ta đã đạt được 5%.
GS. TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam
“Có thể thấy chiều sâu của chúng ta về khoa học còn rất yếu, về công nghiệp chế biến chúng ta đầu tư rất khiêm tốn, do vậy đó là nhược điểm khi mà chúng ta muốn đạt được tốc độ cao. Một nghịch lý nữa chúng ta đều thấy chúng ta xuất khẩu lúa đứng thứ nhì thế giới nhưng bà con nông dân còn rất nghèo. Doanh nghiệp chỉ chia sẻ phần nào thôi còn nhà nước vẫn phải đầu tư lớn, như vậy mới giải quyết được”, ông Bửu nói.
Đầu tư công nghệ, tìm thị trường khác ngoài Trung Quốc
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để công nghiệp chế biến Việt Nam đạt mục tiêu lọt top 10 thế giới vào năm 2030, ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder Café trái cây Meet More, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cho rằng, về vấn đề nội địa, để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp phải phát triển thương hiệu.
“Tôi có xem một phóng sự nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đang khó khăn về tiêu thụ. Hiện nay, cà phê chúng ta 100% xuất thô, mà xuất thô thì gần như người nông dân không được lợi, vậy thì để nâng được giá trị lên chúng ta phải đầu tư cơ giới hóa vào khâu chế. Nếu chỉ xuất khẩu cà phê thô thì các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lòng vòng, chỉ mãi xuất khẩu thô”, ông Luận nói.
Ông Luận cho rằng, hướng đi mới cho các doanh nghiệp là nên chế biến những sản phẩm cà phê như cà phê trái cây Meet More. Như vậy, các sản phẩm sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường và hướng đi cho xuất khẩu. “Đầu tư cho công nghệ, đi theo hướng đi mới hoàn toàn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cần nghiên cứu và đầu tư ngay”, ông Luận nói.
Bên cạnh đó, ông Luận cũng đề cập đến vấn đề thị trường, theo quan sát của ông trong một buổi tiếp xúc doanh nghiệp mới đây cho thấy doanh nghiệp chủ yếu làm ra các sản phẩm tập trung vào thị trường Trung Quốc. “Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam sắp tới cần nghiên cứu một chiến lược thị trường bài bản và mở rộng hơn”, ông Luận nói thêm.
Về chính sách nào là quan trọng nhất và giải pháp cần ưu tiên, GS. TS Bùi Chí Bửu cho rằng, hiện nay có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam. Và sự khác biệt đó đến từ công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ.
Việt Nam đang đi sau các tập đoàn nông nghiệp lớn của nước ngoài 80 năm
Trả lời câu hỏi của độc giả đặt ra, là Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, theo anh Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 doanh nghiệp cần ưu tiên những ứng dụng công nghệ gì, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, nếu chúng ta không đầu tư đến nơi đến chốn, hay các công nghệ, thiết bị không hiện đại, tối tân nhất thì chúng ta sẽ chết.
“Trong đại dịch Covid-19 chúng tôi cũng phải tính toán áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Công nghệ 4.0 không phải ai cũng phát triển được vì chi phí rất cao, như hiện nay ở Việt Nam chủ yếu đang áp dụng tiêu chí Global GAP, nhưng nếu như chúng ta áp dụng được cả cơ chế công nghệ 4.0 và tiêu chí Global GAP thì chúng ta sẽ phát triển rất tốt khi xuất khẩu nông sản đi các nước. Chúng ta cũng phải liên kết được chuỗi giá trị, chuỗi xuất khẩu cùng bắt tay với các tập đoàn nước ngoài để đi lên, theo như kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm, tôi tính toán chúng ta đang đi sau các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài đến 80 năm”, ông Hùng nói.
Chủ trương của nhà nước đang đi đúng hướng
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, liên quan đến những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo đó, từ tháng 1/2019, Bộ Nông nghiệp đã có kế hoạch tái cơ cấu lại 13 sản phẩm, với quy định cụ thể, ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực, gắn bó công nghiệp chế biến với công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Nghị định của Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, có ngân sách ưu tiên lĩnh vực chế biến.
Tuy nhiên, để phát triển ngành chế biến chúng ta cần phải có nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, với sự tham gia của các địa phương để tìm lợi thế so sánh của mình để phát triển vùng nguyên liệu, từ đó có sức hấp dẫn mời các doanh nghiệp tham gia.
“Ngoài ra, Nghị định 55 cũng giúp nguồn tín dụng chảy vào chế biến nông sản. Tôi cho rằng chủ trương Nhà nước đang đi đúng hướng và có sự đồng bộ quyết liệt. Về nguồn lực, hiện nay nguồn lực ngân sách không nhiều nhưng nguồn lực xã hội hóa khá tốt khi chúng ta cũng có nhiều viện nghiên cứu tư nhân thuộc các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động trong nghiên cứu, đón đầu xu thế thị trường”, ông Toản nói.
Cần thiết lập hạ tầng thương mại hiện đại hơn
Nhận định về việc có bao nhiêu phần trăm nguy và bao nhiêu cơ trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam, ông Toản cho rằng khá khó để định lượng nội hàm nguy và cơ trong trường hợp này.
Việt Nam là cường quốc về nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu. Ngay khi mới có 4 trường hợp nhiễm Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đã chủ trì một hội nghị để bàn về chính sách, giải pháp đối phó với dịch bệnh, đặc biệt tình hình khó khăn về thông quan ở biên giới. Bộ cũng yêu cầu rà soát lại các nông sản có tính thời vụ, điều phối luồng cung ứng nông sản lên biên giới, phân luồng thông quan như sản phẩm trái cây qua cửa khẩu Lạng Sơn, chăn nuôi qua Móng Cái…
Ông Toản cho rằng, để tận dụng được cơ hội cần thay đổi hành vi của con người, liên kết nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, chung tay góp sức nhiều hơn, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh.
“Lương thực, thực phẩm đóng vai trò mạch máu, có vai trò ổn định của nền kinh tế. Trong đại dịch, không thể đi ra ngoài đi chợ, nên cần có lực lượng phân phối online tốt hơn, cần thiết lập hạ tầng thương mại hiện đại hơn để theo kịp thế giới, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt,… Đây là những vấn đề mà nông nghiệp hiện đại cần hướng đến”, ông Toản nói.
Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp toàn cầu nên trong thời đại toàn cầu hóa cần tăng cường liên kết, nắm bắt thời cơ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng không định lượng được khái niệm nguy và cơ.
Tuy nhiên, theo ông với những doanh nghiệp nhạy bén có thể tái cơ cấu lại doanh nghiệp, thị trường, chọn ra những mặt hàng thế mạnh, xúc tiến xuất khẩu. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên kết hợp để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm cho các đối tác nước ngoài.
“Chúng ta cũng có những cộng đồng doanh nghiệp ở nước ngoài rất mạnh, cần phối hợp với các doanh nghiệp, cộng đồng này để tổ chức các hội nghị xúc tiến nhằm giới thiệu các sản phẩm ra nước ngoài”, ông Luận đề xuất.
Cũng theo ông nên đổi lại câu cửa miệng “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thành “người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”. Các cộng đồng đều sôi sục để có thể làm được một cái gì đó nhằm giới thiệu nông sản Việt Nam tại nước ngoài.
Làm gì để hình thành vùng chuyên canh lớn, khu công nghiệp công nghệ cao?
Phân tích cụ thể hơn về thực trạng các vùng nguyên liệu của Việt Nam còn manh mún, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, để làm tốt chế biến cần có nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, công nghệ, tài chính, thị trường. Trong đó, yếu tố vùng nguyên liệu rất quan trọng. Ví dụ, một doanh nghiệp đặt nhà máy ở Nam Định, cần xác định được có vùng nguyên liệu lớn, có công nghệ đảm bảo, đồng thời, có hạ tầng kết nối thuận lợi.
“So với các nước tiên tiến, chúng ta chưa có những cùng nguyên liệu lớn nên Chính phủ đang khuyến khích hình thành những vùng chuyên canh lớn, chẳng hạn, ở Đồng Tháp có vùng chuyên canh rất lớn, các tập đoàn lớn đã vào cuộc, hay Đồng Nai hình thành vùng chuyên canh chăn nuôi lợn, Sơn La có vùng chuyên canh cây ăn quả, Tây Nguyên có vùng chuyên canh cà phê hoặc vùng chuyên canh chanh leo…”, ông Toản thống kê.
Bên cạnh việc hình thành vùng chuyên canh, việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ cũng là vấn đề quan trọng. Người lao động cũng quan trọng không kém, trong hội nhập chúng ta phải tính đến lực lượng lao động. Việt Nam có tới 3 triệu lao động trong các doanh nghiệp chế biến tôm nhưng lực lượng lao động ở các vùng chuyên canh còn mỏng, do đó, cần xây dựng các chính sách, hạ tầng, môi trường sống tập trung cho người lao động ở các vùng chuyên canh. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên thì khó hình thành vùng chuyên canh lớn, khu công nghiệp chế biến công nghệ cao.
Muốn đi xa không thể đi một mình
Mô hình của Hùng Nhơn là kết nối chuỗi giá trị và đứng trên vai người khổng lồ để chia sẻ rủi ro, nhưng trường hợp khi người khổng lồ ngã thì thiệt hại có thể sẽ rất nhiều, chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, với liên kết chuỗi, hiện Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng của các đối tác nước ngoài. Trên thế giới, mô hình liên kết chuỗi đã xuất hiện từ 50 đến 70 năm trước, việc quản trị nhân lực và quản trị rủi ro họ đã làm rất tốt.
“Chúng tôi cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết. Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã phải trải qua rất nhiều biến động, từ dịch tả lợn Châu Phi, H5N1 rồi đến Covid-19. Tới thời điểm này doanh nghiệp vẫn đang trụ vững và vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Không phải ai cũng vào được mô hình mắt xích chuỗi, tuy nhiên, nếu muốn đi xa thì chúng ta không thể đi một mình, khi trụ đỡ của mắt xích chuỗi tốt hơn thì cả chuỗi cũng sẽ đi nhanh hơn”, ông Hùng nói.
Thị trường Australia đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng rất cao
Toạ đàm trực tuyến “Chế biến nông sản thích ứng hội nhập giai đoạn mới” nhận được câu hỏi từ ông Nguyễn Đức Duy, Công ty XNK Hoàng Khang đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Ngọc Luận: Là thành viên của Hội doanh nhân Việt tại Australia, ông có thể chia sẻ về cơ hội xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Australia.
Trả lời câu hỏi này, ông Luận cho biết, không phải đơn giản để có thể xuất khẩu vào các thị trường này bởi họ đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng rất cao, nhưng nếu chúng ta tuân thủ các tiêu chuẩn của họ thì hàng nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung có thể xâm nhập thị trường rất dễ. Không chỉ hàng Việt Nam mà cả các sản phẩm của Thái Lan, Malaysia cũng đang tràn ngập tại Australia. Hiện sản phẩm trú trọng nhất của Việt Nam tại đây là nông sản và chúng ta phải đáp ứng các tiêu chí của họ.
“Với sản phẩm của chúng tôi – cà phê trái cây, họ kiểm tra hàm lượng sữa và đường rất cao, các chỉ số rất khắt khe, test đến 3 tháng mới cho ra kết quả. Rồi chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại công thức để đáp ứng các tiêu chuẩn”, ông Luận nói.
Nhà báo Hải Tiến: Câu chuyện về công nghệ chế biến nâng cao giá trị cho nông sản Việt còn rất nhiều điều để nói, tuy nhiên để gói gọn vào một vấn đề, một cụm từ thì các diễn giả sẽ chọn vấn đề gì, có những gợi ý gì cho doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản: Để gói gọn vấn đề tôi dùng từ giá trị gia tăng, bởi vì chúng ta đang nỗ lực sản xuất những gì thị trường cần, bên cạnh đó phải đảm bảo giá trị đời sống người nông dân, lợi ích doanh nghiệp, đảm bảo tái cơ cấu nông nghiệp đi đúng hướng. Hướng tới giá trị gia tăng thì mới tạo ra sự cạnh tranh, lợi thế so sánh, hội nhập sâu sức cạnh tranh lớn, xung đột thương mại tồn tại nên cạnh tranh không tránh khỏi nên cần tạp ra giá trị gia tăng bằng chính trí tuệ Việt Nam thì chúng ta mới tạo ra được sự chuyển động, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.
Đồng tình với những chia sẻ của ông Toản, ông Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam cho biết thêm, có hai nội hàm thứ nhất là nông sản chúng ta giá trị gia tăng càng nhiều càng tốt, thứ hai là tiếp thị trực tiếp, cắt các khâu trung gian càng nhiều chừng nào càng tốt để giảm thiểu chi phí logistics.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam: Chúng tôi đầu tư hệ thống nhà máy giết mổ, nhận thức được vấn đề làm sao để nắm được cơ chế, chính sách, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ để tính toán đầu ra.
Doanh nghiệp muốn tồn tại phải áp dụng công nghệ cao, chế biến xuất khẩu, làm việc với các nhà bán lẻ, không phụ thuộc vào thương lái, khâu bán hàng. Vấn đề quan trọng nữa là cơ chế để tập trung vào khâu chế biến, xuất khẩu. Đất và tiền là một phần, khi chúng tôi đầu tư chúng tôi tập trung vào công nghệ và khâu chế biến đầu ra. Quan trọng nhất là khâu chế biến, công nghệ và xuất khẩu. Nếu không làm tốt khâu công nghệ sẽ khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder thương hiệu Café trái cây Meet More, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia: Từ tọa đàm chúng ta đúc kết được giá trị, đó là giá trị về thương hiệu, giá trị về sản phẩm, giá trị của doanh nghiệp.
Để có được những giá trị đó chúng ta phải có sự thay đổi và quan trọng nhất là thay đổi về tư duy. Hiện nay chúng ta không thể kinh doanh như truyền thống hay tư duy “cá lớn nuốt cá nhỏ” như trước đây, bây giờ sản phẩm tung ra không có thay đổi về cách làm, về chất lượng thì chúng ta không thể phát triển được. Chung quy lại tôi rút ra được bài học từ cá nhân tôi là chúng ta phải tay đổi tư duy cho doanh nghiệp, cho sản phẩm của chúng ta khi ra thị trường.