Mục lục bài viết
Để có thể giúp tái lập và duy trì hòa bình, hòa giải không chỉ cần sự tận tâm, tận lực mà còn cả năng lực và đôi khi là sự hy sinh. Tổng thống Donald Trump đã làm thế nào khi đối diện với những vấn đề gai góc, những chế độ cực đoan và cả những lực lượng gây bất ổn từ phía sau, để giúp thế giới hòa bình hơn hôm nay và cả ngày mai?
Ngày 9/9, nghị sĩ Christian Tybring-Gjedde, thành viên quốc hội Na Uy, đã đề cử Tổng thống Donald Trump cho danh hiệu Nobel Hòa bình năm 2021 vì vai trò của ông trong thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tiếp đó, ngày 11/09, một thành viên quốc hội Thụy Điển cũng đã đề cử một giải Nobel Hòa bình độc lập cho chính phủ của tổng thống Trump vì nỗ lực hòa giải Serbia và Kosovo.
Liệu ông Trump có xứng đáng cho giải thưởng danh giá này không? Trước hết chúng ta cùng nhìn lại quá trình tổng thống Donald Trump tham gia giải quyết các vấn đề và điểm nóng trên thế giới.
Những điểm nóng và cách thức giải quyết của ông Donald Trump
Triều Tiên
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một trong những chủ đề an ninh nóng nhất với nước Mỹ và thế giới trong hàng chục năm qua. Những người theo dõi chủ đề này có lẽ đều nhớ tới giai đoạn đầu sau khi nhậm chức của ông Donald Trump, Triều Tiên tiếp tục bài ca cũ bằng việc thử hạt nhân và những tuyên bố nóng đe dọa nước Mỹ và đồng minh.
Nhưng dư luận khi đó chú ý nhiều hơn tới khẩu khí của ông Trump, bởi vì sau mỗi lần Triều Tiên “bắn tin” đe dọa, ông Trump nhanh chóng đáp trả bằng những ngôn từ mạnh hơn, “kinh khủng” hơn đúng như phong cách đặc trưng của vị Tổng thống. Báo chí và các nhà bình luận trên thế giới khi đó đều lo lắng nói về các kịch bản tệ hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vì các lời đe dọa của ông Trump đều có vẻ “rất thật”.
Ngày 19/09/2017, ông Trump phát biểu ngay tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc rằng sẽ “Hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” nếu bị buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh. Cả thế giới khi đó đều tỏ ra lo ngại trước những phát biểu kiểu này từ một đương kim tổng thống Mỹ.
Khó khăn nhức nhối của vấn đề hạt nhân Triều Tiên không chỉ ở bản thân thái độ cực đoan của chế độ này, mà còn là việc chính quyền Trung Quốc luôn đứng sau hậu thuẫn.
Ông Trump thực hiện cách tiếp cận song song, một mặt gây sức ép tối đa với chính quyền Trung Quốc, mặt khác sẵn sàng khẩu chiến hết cỡ nhưng luôn để ngỏ cửa đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Trong khi các cuộc đàm phán về Triều Tiên trước đó đều phải có Trung Quốc, khiến cho đàm phán luôn bị động và rất phức tạp.
Tuy nhiên, những diễn biến sau đó về quan hệ Mỹ – Triều khiến người ta dường như quên mất tình trạng nóng bỏng và nan giải trước đó. Kể từ tháng 05/2018 đã có 3 cuộc gặp trực tiếp Trump – Kim, trong đó có một cuộc diễn ra ngay tại biên giới liên Triều. Ông Donald Trump cũng là đương kim tổng thống đầu tiên bước chân vào đất Triều Tiên.
Khi đã có các cuộc gặp trực tiếp Kim Jong Un, ông Trump luôn duy trì mối liên hệ bằng tất cả các cách thức để thể hiện thiện chí. Từ các phát biểu “đề cao” Kim Jong Un đến viết thư riêng… nên một mặt tạo ra một giới hạn về phản ứng từ Triều Tiên, mặt khác loại bỏ vai trò xen ngang của chính quyền Trung Quốc.
Kết quả là mặc dù các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp tục, phía Triều Tiên vẫn thỉnh thoảng phàn nàn và thử tên lửa, nhưng không có vụ thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào kể từ cuối năm 2017.
Vấn đề Trung Đông
Iran, Afghanistan và Israel là những cái tên được nhắc tới nhiều nhất với người Mỹ khi đề cập tới Trung Đông trong mấy chục năm qua.
Với Afghanistan, sự can dự từ năm 2001 đã khiến nước Mỹ tốn kém hàng ngàn tỷ USD và một cuộc chiến dường như bất tận. Chính thể dân chủ được phương tây hậu thuẫn không đủ mạnh để làm chủ tình hình, trong khi lực lượng Taliban vẫn kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ và người dân.
Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan. Nhưng thay vì từ chối đàm phán với Taliban như cựu tổng thống Bush và mơ hồ như ông Obama, cách tiếp cận của ông Trump là sẵn sàng đàm phán trực tiếp với lực lượng này.
Kết quả là ngày 29/2/2020 tại Doha – Qatar, đặc sứ Mỹ Zalmay Khalilzad và đại diện Taliban Abdul Ghani Baradar đã bắt tay sau khi ký vào thỏa thuận lịch sử, mở ra con đường hòa bình cho Afghanistan. Gần đây nhất, vào ngày 12/9 với sự trung gian của Mỹ, đại diện chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bắt đầu đối mặt đàm phán hòa bình, điều mà trong thời gian dài trước đây là không thể.
Với vấn đề Iran, cách tiếp cận của tổng thống Donald Trump cũng tương tự như với Triều Tiên. Một mặt gây sức ép tối đa bằng cấm vận, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, mặt khác luôn để ngỏ cửa đàm phán trực tiếp.
Cho đến nay, vấn đề Iran vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Có thể nói, chính quyền Trung Quốc tiếp tục là yếu tố ngăn trở đáng kể nhất khi vẫn lén lút mua dầu, bán vũ khí, công nghệ và các hỗ trợ khác cho Iran.
Tuy nhiên tiến trình thúc đẩy hiệp ước hòa bình giữa Israel với các nước Ả Rập đang cô lập và gây sức ép về mọi mặt lên Iran, vừa vô hiệu hóa vừa có thể khiến chính quyền Iran phải ngồi vào bàn đàm phán. Chế độ Iran dù có nhiều lời đe dọa về phát triển tên lửa, hạt nhân và phong tỏa eo biển Hormuz nhưng đến nay vẫn chưa hiện thực hóa được gì đáng kể.
Trong cuộc họp báo ngày 10/9/2020 tại Nhà Trắng, ông Trump nói “Nếu chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Iran sẽ tới và ký một thỏa thuận với chúng tôi rất nhanh chóng. Tôi có thể nói là trong vòng 1 tuần, nhưng hãy cho chúng tôi 1 tháng”.
Đồng minh chủ chốt nhất của Mỹ tại Trung Đông là Israel, đất nước thành lập từ năm 1947 nhưng luôn bị nhiều nước Ả Rập từ chối công nhận. Ngoài hành động có tính biểu tượng là di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, chính phủ Tổng thống Donald Trump đang đạt được những kết quả đột phá trong việc giúp các nước hòa giải.
Ngày 13/8 tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận đạt được giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Israel do ông làm trung gian – Hiệp ước Abraham. Lý do được ghi nhận tại buổi lễ đến từ việc gây áp lực tối đa làm vô hiệu hóa nhân tố gây bất ổn là Iran và hướng các bên tập trung vào điểm đồng thuận thay vì điểm bất đồng.
Tiếp đó hôm 11/9, ông Trump thông báo trên Twitter. “Một bước đột phá lịch sử khác ngày hôm nay! Hai người bạn tuyệt vời của chúng tôi là Israel và Vương quốc Bahrain đồng ý Thỏa thuận Hòa bình – quốc gia Ả Rập thứ hai sẽ thiết lập hòa bình với Israel trong 30 ngày!”. Một số quốc gia Ả Rập khác cũng đang có dấu hiệu tiếp nối con đường hòa giải này như Oman, Ả Rập Xê Út.
Đối với nhà nước hồi giáo cực đoan IS, điểm nhấn gây chú ý nhất của ông Donald Trump là vụ tiêu diệt thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi ngày 27/10/2019. Tiếp đó, Qasem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng máy may không người lái.
Hai phi vụ diễn ra đột ngột, chính xác và mạo hiểm nhưng cho thấy sự quyết đoán của ông Donald Trump. Thay vì tập trung vào cả một cuộc chiến hao người tốn của, phương án truy tìm và tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố đã tỏ ra hiệu quả hơn về nhiều mặt.
Vấn đề Kosovo
Kosovo đã là một vấn đề nan giải trước khi cuộc xung đột năm 1998/1999 diễn ra. Liên tục 9 năm gần đây, Liên minh châu Âu đã đứng ra làm trung gian hòa giải nhưng chưa có kết quả, khiến nó là một trong điểm nhức nhối ngay tại châu Âu.
Ngày 4/9/2020, tại Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước Kosovo và Serbia đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế. Hai bên sau đó tiếp tục thương lượng về mảng chính trị tại Bruxelles ngay từ ngày 7/9.
Thay vì như châu Âu xoáy vào vấn đề mâu thuẫn nhất là chính trị, ông Trump đã tập trung vấn đề kinh tế trước, giúp hai bên hòa giải với nhau rồi mới đi đến thảo luận chủ đề chính trị.
Một số khía cạnh cá nhân ông Trump
Có thể nói, ông Trump có kinh nghiệm chính trường bằng không khi nhậm chức. Do đó ông không chịu ảnh hưởng bởi các lề lối làm việc chính trị giáo điều. Bản thân ông là một tỷ phú và có quan điểm “sẵn sàng phục vụ nước Mỹ”, nên các áp lực về lợi ích kinh tế không dễ tác động tới ông.
Về tính cách cá nhân, ông Trump luôn tỏ ra mạnh mẽ nên với các chính trị gia tại Washington, ông không ngại va chạm để đạt hiệu quả công việc, kể cả với các đồng minh ruột như nhiều nước tây Âu vốn đã trở nên khá chậm chạp và yếu nhược.
Về nhân sự, ông Trump không ngại thay đổi cả nhân sự cấp cao để phương hướng hành động được nhất quán, gồm cả ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng…
Vụ việc thay đổi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thể hiện rất rõ điều này. Quan điểm giải quyết vấn đề như Triều Tiên của ông Bolton rất cứng rắn và cứng nhắc. Trong khi chủ trương của ông Trump là dù khẩu khí tỏ ra rất “lớn” và gây sức ép đa chiều, nhưng luôn hướng tới đàm phán hòa bình.
Có thể nói, là một người có đức tin mạnh mẽ cho nên ngoại trừ một số cá nhân cá biệt cần tiêu diệt, ông Trump luôn coi lãnh đạo các chính quyền hay lực lượng bất hảo nào đó là những đối tượng luôn luôn có thể nói chuyện trực tiếp để hướng tới mục đích chung là hòa bình và xây dựng.
Vấn đề Trung Quốc
Ở một góc độ khác, chính phủ của tổng thống Donald Trump trong vài năm qua đều đang hướng tới mục tiêu đối ngoại chiến lược nhất, sâu xa nhất và khó khăn nhất. Đó là kiềm chế, vô hiệu và thậm chí giải thể lực lượng thực sự có khả năng tạo ra bất ổn lớn nhất, sức phá hoại lớn nhất, toàn diện nhất, bao gồm cả khía cạnh đạo đức của con người, đó chính là chính quyền Trung Quốc.
Các động thái rút quân khỏi nhiều chiến trường để tập trung quân lực về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để gây áp lực quân sự, cấm vận công nghệ, thuế quan, ngăn chặn gián điệp công nghệ, gây sức ép ngoại giao, cấm vận quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc… tất cả đều đang nằm trong chiến lược ngăn chặn nguồn gây nguy cơ gây bất ổn từ chế độ này.
Đánh giá
Ông Richard Grenell, người từng là đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời ông Trump cho biết: “Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong gần 4 thập niên không khởi động một cuộc chiến tranh mới nào.”
Trong khi người tiền nhiệm của ông Trump, cựu tổng thống Obama được nhận giải Nobel hòa bình chỉ 12 tuần sau khi nhậm chức, nhưng sau đó đã phát động liên tiếp các cuộc chiến ở Trung Đông.
Ông Donald Trump sau hàng tá hành động giúp hòa giải, tái lập và duy trì hòa bình ở những nơi gai góc nhất trên khắp thế giới, giờ đây chỉ là một trong số hơn 300 cá nhân được đề cử và còn chịu không ít tiếng nói phản đối. Bởi thay vì nói suông, việc tái lập hay duy trì hòa bình thực sự ắt sẽ động chạm đến lợi ích của những kẻ thu lợi từ tình trạng bất ổn.
Nobel Hòa bình vừa là một giải thưởng danh tiếng, cũng vừa là giải thưởng có nhiều tai tiếng bởi vì tính chính trị của nó. Tuy nhiên lịch sử tự nhiên của thế giới cũng có “giải thưởng” riêng của nó. Có những cá nhân tuy không được nhận tấm bằng khen hay chiếc cúp nào, nhưng lịch sử lại tự động ghi nhận vì vai trò chân thực và sự hy sinh thầm lặng của họ.
Một nước Mỹ luôn tự cho mình trách nhiệm duy trì hòa bình của thế giới. Nhưng để thể hiện được vai trò này, nhiều đời tổng thống Mỹ đã không làm tốt. Tổng thống Donald Trump, một người có vẻ ngoài gai góc và can đảm, dường như đang đưa được “nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng hàng loạt hành động thiết thực cho hòa bình thế giới.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sắp kết thúc và dương như ông đang rất khó khăn trong việc đối đầu với đối thủ có bề dày kinh nghiệm chính trường, cựu phó tổng thống dưới thời Obama là ông Joe Biden.
Những người ủng hộ tổng thống Donald Trump đang cố gắng nói lên tiếng nói của mình, và ông Trump tuy mạnh mẽ nhưng trong cuộc vận động tại Michigan hôm 10/09 đã tỏ ra xúc động thật sự khi hàng ngàn người liên tục hô vang “Chúng tôi yêu ông”.Ông đáp lại: “Đừng nói vậy. Tôi sẽ bắt đầu khóc, mà vậy thì không tốt cho hình ảnh của tôi… Các bạn không muốn thấy tôi khóc đâu”.
Nguồn dkn.tv