(Chinhphu.vn) – Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố đang mở mặt trận thứ hai về phát triển kinh tế, tinh thần là phải quyết liệt, bài bản, phân công rõ trách nhiệm. Qua giai đoạn khó khăn này để sàng lọc cán bộ, trọng dụng người tài, những người dám làm dám chịu, loại bỏ cán bộ né tránh trách nhiệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Sáng 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với huyện Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác chỉ đạo đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Đi đầu về xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện cơ bản đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu ngân sách đạt 152%, giải quyết việc làm cho người lao động đạt 164%, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1,25% xuống còn 0,26%. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng thương mại-dịch vụ (45,7%), công nghiệp-xây dựng (48,6%), giảm tỉ trọng nông nghiệp (5,7%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng/người/năm.
Đan Phượng là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới của Hà Nội vào năm 2015. Đến nay Đan Phượng vẫn là huyện đi đầu của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020 với 9/15 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 15/15 xã trong năm 2020.
Đến nay, Đan Phượng đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Có 100% chi bộ trực thuộc Đảng ủy tổ chức đại hội thành công, bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ. Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở đang được tiến hành khẩn trương. Hiện các cấp ủy trực thuộc đang tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức đại hội, phấn đấu cơ bản hoàn thành đại hội các cơ sở trực thuộc trong tháng 5.
Xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu lên quận
Một trong những mục tiêu Đan Phượng xác định phải quyết liệt là triển khai hiệu quả đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận trong 5 năm tới. Qua rà soát, huyện xác định còn 2 tiêu chí khó khăn là cân đối ngân sách, hạ tầng khung về đường giao thông đô thị.
Góp ý về nội dung này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu ý kiến, Đan Phượng là một trong những huyện có cơ cấu chuyển dịch kinh tế tích cực, dịch vụ phát triển, nhất là cung ứng nông sản. 1/3 diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có chất lượng cao.
Theo ông Phong, khó khăn của huyện là phát triển đô thị tốc độ nhanh, nên năng lực, trình độ quản lý đô thị còn nhiều lúng túng. Còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, xây dựng, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn, có thể tiềm ẩn phức tạp liên quan đến an ninh nông thôn. Một vấn đề khác là quy hoạch và quản lý quy hoạch, cũng như còn nhiều dự án chưa được triển khai, dẫn đến hoang hóa, lãng phí đất đai, nguồn lực.
Từ góc độ này, ông Nguyễn Văn Phong nêu Đan Phượng còn khó khăn khi phát triển thành quận, đặc biệt là quản trị, quản lý, về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và câu chuyện về mặt thích ứng khi phát triển đô thị…
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để phát triển lên quận, tính đến hết năm 2019, Đan Phượng còn 7 chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cân đối thu chi ngân sách (hết năm 2019 mới cân đối 40%), đây cũng là chỉ tiêu khó thực hiện với các huyện lên quận. Bên cạnh đó là chỉ tiêu lao động phi nông nghiệp, giao thông, hạ tầng khung… Qua quá trình triển khai, Sở tiếp tục làm việc với 5 huyện đang xây dựng đề án lên quận để đạt các chỉ tiêu đặt ra.
Đối với định hướng phát triển lên quận của Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố giao huyện lên phương án, tự chủ ngân sách thực hiện, hoàn thiện thể chế, nguồn lao động, tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chỉ đạo các sở liên quan phối hợp với các huyện đang xây dựng đề án lên quận để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội trao tặng huyện Đan Phương 5.000 khẩu trang và 15 nhiệt kế hồng ngoại để phục vụ công tác chống dịch. Ảnh: VGP |
Quản lý chặt quy hoạch đất đai để không xảy ra tiêu cực
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cơ cấu kinh tế Đan Phượng phát triển đúng hướng, tăng tỉ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Điểm sáng nhất của Đan Phượng là đi đầu xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu 100% các xã đạt chuẩn nâng cao về nông thôn mới; thu nhập người dân ngày càng được cải thiện…
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 4 tháng tình hình phát triển kinh tế và chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội khá thấp, giải ngân đầu tư công trong 4 tháng còn ách tắc khi chỉ đạt 18-19%. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tinh thần tái khởi động kinh tế cần quyết liệt hơn ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, bởi nếu không chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả năm không thể đạt được mục tiêu.
“Giai đoạn này ngoại thành cần hỗ trợ cho nội thành khi ngoại thành có tiềm năng hơn nội thành về sản xuất nông nghiệp, đấu giá đất”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu các điểm huyện cần chú ý trong quá trình phát triển lên quận, trong quá trình đô thị hóa. Cụ thể cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai để không xảy ra tiêu cực, làm mất ổn định xã hội. Xây dựng cán bộ có tầm nhìn và năng lực, có tư duy phát triển, có năng lực quản lý và cần đề phòng tâm lý chủ quan, mặt khác đề phòng tâm lý trì trệ thiếu năng động, sáng tạo, đưa mình vào thế khó phát triển.
Với các huyện đang xây dựng đề án lên quận, Thành phố cần lập ban chỉ đạo để chỉ đạo thống nhất về xây dựng quy hoạch, thống nhất về cơ chế chính sách. Các huyện đang xây dựng đề án cần nghiên cứu cân đối cơ chế tài chính, nhất là giai đoạn làm quy hoạch, trong đó xác định lại các ngành chủ lực của địa phương, xác định ngành phát triển mũi nhọn.
Thành phố đang mở mặt trận thứ hai về phát triển kinh tế, tinh thần là phải quyết liệt, bài bản, phân công rõ trách nhiệm. Qua giai đoạn khó khăn này để sàng lọc cán bộ, trọng dụng người tài, những người dám làm dám chịu, loại bỏ cán bộ né tránh trách nhiệm. Vì vậy, Đan Phượng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy đầu tư công, tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển; phát triển khu, cụm công nghiệp làng nghề, mở thêm các điểm công nghiệp mới; khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị huyện tiếp tục công tác chống dịch, nới lỏng nhưng không được lơi lỏng, không cứng nhắc trong giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan trong phòng dịch.
Gia Huy-Quốc Thanh
Nguồn: Baochinhphu.vn