Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm 8 dự án. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 1 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Chương trình cho ý kiến gồm 5 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình 8 dự án, dự thảo; đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). “Sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định.
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như tính dự báo không cao; tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp..
Các đại biểu đánh giá, việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021 – năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều.
Về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10/2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 (vì về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai).
Tán thành việc lùi dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc việc ra nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai. “Chúng ta chuẩn bị bao lâu nay để sửa một số điều cũng chưa được, bây giờ ban hành một nghị quyết thì có giải quyết được vấn đề không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn và cho rằng, dự án Luật cần được nhìn nhận tổng thể, giải quyết bài bản chứ không thể giải quyết một vài điểm.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai thời gian qua đang được dần tháo gỡ như: việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… Những khó khăn đã bước đầu được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Thống nhất với Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị, không trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Quốc hội khóa XIV mà chuyển sang Quốc hội khóa XV để phù hợp với định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020; đồng thời đề nghị các Dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những đánh giá về tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, đầu năm 2020; tán thành nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 Dự án Luật; cho ý kiến về 6 Dự án Luật.
Theo chương trình, sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính./.
Lê Sơn
Nguồn: Baochinhphu.vn