- Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước dâng hoa tại tượng…
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với các lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, hôm nay chúng ta thành kính kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Vla-đi-mia I-lích Lê-nin – Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, người kế tục xuất sắc sự nghiệp giải phóng con người của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới của nhân loại – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Sinh ngày 22 tháng Tư năm 1870 trong một gia đình trí thức có tinh thần dân chủ, V.I. Lê-nin đã sớm đến với chủ nghĩa Mác. Ngay từ năm 1900, khi xuất bản số đầu tiên của báo Tia lửa – tờ báo do V.I.Lê-nin sáng lập – Lê-nin đã chỉ rõ sự cấp bách phải thống nhất tất cả các lực lượng giác ngộ của giai cấp vô sản Nga, thành lập một chính đảng lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng mới có thể đưa cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đến thắng lợi. Cùng với nhiều nhà dân chủ xã hội Nga. V.I.Lê-nin đã đầu tư, tích cực chuẩn bị cả về tư tưởng, lý luận lẫn tổ chức cho sự ra đời của Đảng Công nhân Dân chủ – Xã hội Nga – tiền thân của Đảng Bôn-sê-vích ( Đảng Cộng sản Nga) vào năm 1903. Trong Cương lĩnh của mình, Đảng đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chuyên chính vô sản.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã thắng lợi trọn vẹn. Sự kiện này đã đặt ra nhiệm vụ mới đối với V.I. Lê-nin – nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, nhân dân Nga bảo vệ chính quyền công – nông, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga và lãnh đạo cách mạng vô sản đang hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. V.I. Lê-nin đã dành toàn bộ phần còn lại của cuộc đời thực hiện nhiệm vụ này.
Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, V.I. Lê-nin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại cả về lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, V.I. Lê-nin đã đúc kết toàn bộ chủ nghĩa Mác một cách khoa học, hệ thống, cơ bản và trong khi bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của phái dân túy, của những người theo chủ nghĩa Makhơ, theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại và luận điệu phản cách mạng của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác, V.I. Lê-nin đã bổ sung nhiều nội dung mang tính chân lý bền vững cho cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, trong đó:
Ở triết học, đấy là những nội dung về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật, về lý luận nhận thức, về nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về nhà nước, nhà nước chuyên chính vô sản,…
Ở kinh tế học chính trị, V.I. Lê-nin là người đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội ở quốc gia mà giai cấp vô sản đã giành được chính quyền nhưng tiền đề về kinh tế và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ. Đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) với nhiều thành phần kinh tế mà mục tiêu của nó là phát triển sản xuất để giải phóng người lao động trên cơ sở kỹ thuật tiên tiến, quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. V.I. Lê-nin cũng là người xác định nhiệm vụ kinh tế – xã hội cơ bản có ý nghĩa quyết định trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế với những nhiệm vụ cơ bản là công nghiệp hóa, từng bước đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn thông qua con đường hợp tác hóa đồng thời phải tiến hành cách mạng về văn hóa, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ học vấn, khoa học – kỹ thuật cho nhân dân, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tư tưởng, tập quán cũ, làm cho nhiệt tình cách mạng, tinh thần sáng tạo của nhân dân được phát huy mạnh mẽ…
Ở chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I. Lê-nin đã làm giàu thêm chủ nghĩa xã hội khoa học bằng lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước; về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ với các hình thức quá độ, các “bước quá độ”, các mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ; đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ,…
Với những cống hiến của V.I. Lê-nin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lê-nin – chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.
Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản thủ tiêu mọi hình thức bóc lột vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Là lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I. Lê-nin không chỉ quan tâm đến vận mệnh của nước Nga, mà còn luôn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. Bằng sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Nga, V.I. Lê-nin đã xác định đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản; đồng thời vạch ra những vấn đề có tính nguyên tắc của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng của V.I. Lê-nin về đoàn kết giai cấp công nhân ở tất cả các quốc gia; các dân tộc bị áp bức là một chủ thể trong tiến trình thực hiện cách mạng; vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại… còn mang tính chiến lược định hướng, thúc đẩy các cuộc đấu tranh giành độc lập trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy cho các trào lưu đấu tranh giành quyền tự do dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Đối với Việt Nam, nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin, đến nay, lý luận của Lê-nin nói riêng, của chủ nghĩa Mác-Lê-nin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I. Lê-nin đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch. Dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I.Lê-nin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.
Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của V.I. Lê-nin trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, là dịp chúng ta thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I. Lê-nin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lê-nin, của chủ nghĩa Mác-Lê-nin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Đó cũng chính là thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác-Lê-nin”(1), “là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”(2).
(1) Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr.14.
(2) Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 11, tr.611.
Bí thư Trung ương Đảng
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Nguồn: Baochinhphu.vn