Như Nhịp sống doanh nghiệp – đã đề cập, ngày 16/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản 2009 về việcthu hồi đất dự án Bến xe Đức Trọng. Lý do chủ đầu tư là Công ty Trường Sơn Xanh sử dụng đất không đúng mục đích đã được nhà nước cho thuê. Tuy nhiên, vụ việc này phát sinh nhiều vướng mắc cần sự thấu tình đạt lý trong cách ứng xử, giải quyết của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Vướng mắc lớn nhất: 31 hộ dân
Trong vụ việc thu hồi đất dự án bến xe, có thể thấy vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ 31 hộ dân là tiểu thương đang sinh sống, kinh doanh tại đây.
Thanh tra tỉnh nêu tại kết luận 03 ngày 11/1/2019, hơn 10 năm trước, sau khi được giao chứng nhận đầu tư dự án, Công ty Trường Sơn Xanh khi đó do ông Lê Văn Tú làm Giám đốc đã tự ý ký kết hợp tác với Công ty Gia Thành để chuyển giao đầu tư khai thác kinh doanh dịch vụ Bến xe Đức Trọng. Đây là việc tự ý chuyển giao dự án đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Việc chuyển giao này tuy được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 3 cho công ty nhưng chưa được UBND tỉnh có văn bản chấp thuận.
Theo thanh tra tỉnh, sau khi được Công ty Trường Sơn Xanh bàn giao dự án, Công ty Gia Thành do ông Huỳnh Ngọc Bé làm Giám đốc đã tổ chức huy động vốn góp đầu tư dự án thông qua việc ký hợp đồng hợp tác xây dựng với các hộ dân theo hình thức các hộ dân tự bỏ vốn xây công trình, Công ty Gia Thành thu tiền theo hình thức thu tiền thuê đất một lần. Điều này là trái luật.
Thanh tra tỉnh còn nêu sai phạm về thuế đối với việc chuyển nhượng vốn góp tại dự án. Cụ thể, chuyển nhượng vốn năm 2013 từ 6 thành viên góp vốn ban đầu vào Công ty Trường Sơn Xanh gồm ông Lê Văn Tú, Lê Thành Công, Lê Thành Dũng, Lê Quốc Minh, Lưu Văn Thám, bà Nguyễn Thị Tứ cho ông Huỳnh Mẫn và Huỳnh Ngọc Bé. Qua làm việc phía công ty không cung cấp được các hợp đồng chuyển nhượng vốn.
Chuyển nhượng vốn năm 2014 từ 2 thành viên góp vốn trên cho 2 thành viên mới, nhưng qua hồ sơ của Cục thuế Tỉnh không thể hiện có hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân chuyển nhượng vốn tại công ty…
Kết luận 03 của Thanh tra tỉnh nêu, trách nhiệm sai phạm tại dự án trước hết thuộc về chủ đầu tư, trong đó ông Lê Văn Tú, nguyên Giám đốc Trường Sơn Xanh thời kỳ 2008-2013 chịu trách nhiệm về việc không thực hiện dự án, chuyển giao dự án trái luật, để Công ty Gia Thành tự quản lý, quyết định các vấn đề của dự án.
Trách nhiệm tiếp theo thuộc về ông Huỳnh Ngọc Bé, Giám đốc Công ty Gia Thành, nguyên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh thời kỳ 2013-2016 chịu trách nhiệm về các sai phạm xảy ra liên quan đến việc nhận chuyển giao dự án, ký kết hợp đồng thu tiền thuê đất của các hộ dân trái luật; không thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế, trật tự xây dựng; chưa nghiêm túc thực hiện các quyết định của cơ quan có thẩm quyền và chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh.
Thanh tra sở cũng nêu, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, một số sở ngành và UBND huyện Đức Trọng chưa làm tốt nhiệm vụ. Trong đó, Sở Kế hoạch Đầu tư chưa kiểm tra việc góp vốn, chưa kịp thời phát hiện, xử lý việc chuyển nhượng vốn góp; Sở Xây dựng để xảy ra tình trạng chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng giấy phép…
Xét thấy dự án được chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án và đưa bến xe vào vận hành từ năm 2010, theo đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Trường Sơn Xanh tiếp tục thực hiện dự án nhưng phải khắc phục các tồn tại, sai phạm. Nếu không khắc phục thì tỉnh thu hồi.
Lãnh đạo tỉnh, sở: Doanh nghiệp, người dân tự giải quyết
Ngay sau khi tỉnh có văn bản thu hồi đất dự án bến xe, sở TNMT tỉnh đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp bàn giao đất cũng như “sổ hồng”, nếu không giao nộp sẽ ra quyết định hủy sổ.
Ông Trần Quốc Tường, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc thu hồi đất mà Sở TNMT thực hiện chỉ dựa trên căn cứ hành vi sai phạm của doanh nghiệp, còn nguyên nhân khách quan hay chủ quan dẫn đến sai phạm lại không thuộc chức năng của Sở.
“Để xảy ra việc 1.300 m2 được bán cho các hộ dân thì đã được ký kết chuyển nhượng được thực hiện rất lâu rồi nhưng theo Sở TNMT thì đó là do 2 bên tự ký với nhau chứ không được hợp pháp hoá”, ông Tường cho biết.
Trước câu hỏi tại thời điểm chủ đầu tư thực hiện việc bán đất cho người dân thì cơ quan chức năng không biết, nhưng sau đó Sở Xây dựng, Sở TNMT biết rõ nhưng tại sao vẫn không xử lý, ông Tường cho biết, khi sở phát hiện thì xử lý 1.300m2 tự ý chuyển đổi qua mục đích thương mại. Sự việc kéo dài tới 10 năm mà vẫn không xử lý do chính quyền địa phương buông lỏng trách nhiệm thanh tra, giám sát.
Vấn đề nữa, sự chậm trễ trong quá trình xử lý do cơ quan chức năng, nhưng hậu quả thiệt hại lại do đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo sở TNMT không trả lời vấn đề này.
Về quyền lợi của 31 hộ dân đã trả tiền một lần để thuê đất, ông Tường cho biết khi sở trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thì quan điểm của tỉnh là người dân và doanh nghiệp tự giải quyết.
Phóng viên đã có trao đổi với ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, người ký quyết định thu hồi đất dự án.
Trả lời câu hỏi việc quyết định thu hồi đất của tỉnh “vênh” với nội dung nêu tại kết luận 03 thanh tra tỉnh, trong đó thanh tra kiến nghị tiếp tục cho doanh nghiệp thực hiện dự án, ông S thừa nhận có nội dung này, tuy nhiên ông S cho biết việc thu hồi là chỉ đạo của Thủ tướng chứ không phải của tỉnh, tỉnh chỉ làm theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Vậy quyền lợi của doanh nghiệp và người dân sẽ được xử lý như thế nào? Ông S cho biết, dù cho người dân bị thiệt thì việc giải quyết hậu quả thiệt hại của người dân sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm, bởi vì doanh nghiệp tự ý, không thông qua cơ quan chức năng.
“Bây giờ phải do doanh nghiệp đứng ra xử lý thiệt hại, chứ tỉnh đâu có biết việc đó. Người xưa tự làm thì bây giờ phải tuân thủ đúng quy định pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm.
Như vậy có thể thấy, trách nhiệm xử lý hậu quả các sai phạm tại dự án bến xe sẽ dồn về công ty Trường Sơn Xanh với các lãnh đạo thời kỳ sau 2014 và 31 hộ dân ký hợp đồng thuê đất. Trong khi đó, những người gây ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm như Thanh tra tỉnh nêu trên gồm lãnh đạo Công ty Gia Thành, Trường Sơn Xanh thời kỳ trước 2014 lại không bị xử lý?
Nếu thu hồi đất bến xe, 31 hộ dân là các tiểu thương đang sinh sống tại bến xe sẽ đi về đâu? Nhiều doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh tại đây sẽ “đứng đường”, hoạt động kiểu bến dù bến cóc? Quyền lợi của các bên liên quan như Vietinbank sẽ ra sao?…
HUYỀN TRÂM
Nguồn: bizlive.vn